LỜI MỞ ĐẦU
Chim có tổ - người có tông, đó là điều hiển nhiên và cũng là niềm tự hào của muôn người. Chăm sóc, bảo vệ, phát triển nòi giống, dòng tộc, thờ phụng tổ tiên, giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, của cha ông, của gia đình, của họ tộc là bổn phận và trách nhiệm của các thế hệ nối tiếp nhau.
Nhà có gia phả như nước có quốc sử, Sử chép việc chung trong thiên hạ, phả viết việc riêng của một họ.
Cổ nhân đã có câu:
"Hoàng hà chi thủy, lưu phân phái biệt, bất tố kỳ nguyên tắc thị đồng Sở Việt dịch dương chi đồng diệp mậu kha phiền, bất thám kỳ bổn tắc thế nhược chi ly, minh hồ thử, tắc Phổ hệ thành, bất khả nhất nhật vô dã. Huống hồ tiền nhân khai sáng hà đẳng gian nan, tẩm giả nhi vong chi, kỳ hà nhẫn tai!"
Ý nói: Nước sông Hoàng hà chia chảy nhiều giòng, nếu không tìm cội nguồn thì có thể xem cành lá xum xuê của cây ngô đồng trên núi Dịch dương nước Sở và nước Việt như nhau. Nếu không tìm gốc tích thì tình thế chia ly. Để làm rõ vấn đề đó phải có Phổ hệ. Thật không thể một ngày không có vậy. Huống hồ công lao khai phá của các bậc tiền nhân gian nan biết bao, dần dần mà quên đi thì nhẫn tâm biết dường nào!"
Vì lẽ trên và xét thấy việc biên soạn bổ sung phả tộc của ta chưa được quan tâm đúng mức, nếu để chậm trễ sẽ tiếp tục bị thất lạc. Căn cứ vào di chỉ, di huấn và những tư liệu hiện có, đối chiếu với thực tế phát triển đến giai đoạn hiện nay, được sự yêu cầu của các bô lão, của Hội đồng gia tộc, chúng tôi gồm:
Trần Văn Thẩm sinh năm 1956,
Trần Văn Quyền sinh năm 1959,
đời thứ 10 cùng tiến hành lập gia phả tộc Trần Văn – Bất Nhị để lưu lại cho con cháu sau này biết được nguồn gốc của dòng tộc, thấy rõ vị trí – mối quan hệ giữa mình với những người khác trong hệ phái.
Nội dung gia phả gồm 4 phần chính:
- Phần thứ nhất:
* Lịch sử dòng họ.
* Vùng đất nơi thuỷ tổ đến lập nghiệp.
* Sự phát triển của dòng họ.
- Phần thứ hai: Phả ký, Phả hệ và phả đồ của tộc và các chi - phái.
* Trình bày xen kẻ cả 3 phần phả ký, phả hệ và phả đồ để người đọc để hiểu, dể biết.
* Trình bày phả hệ theo cột, mỗi cột là một đời.
* Chia ra từng đoạn và tách ra từng chi, từng phái.
* Trình bày sơ đồ chia ra từng chi và các chi họ.
- Phần thứ ba: Nêu tộc ước (các quy định của họ tộc)
- Phần thứ ba: Phần phụ lục.
* Nêu các tư liệu để tìm hiểu về các vị tổ danh tiếng, những hoạt động được tôn vinh.
* Về nhà thờ, các ngày giỗ, ngày cúng.
Viết gia phả của dòng họ là một việc làm lớn, đòi hỏi nhiều thời gian và công sức của nhiều thành viên, nhiều đời nối tiếp nhau trong dòng họ. Với sự hiểu biết có hạn của mình, trong gia phả đang viết này đã và sẽ thường xuyên cập nhật.
Kính mong các thành viên trong dòng họ giúp sức hoàn thành gia phả này bằng cách phổ biến việc đang thực hiện quyển gia phả đến tất cả các thành viên, cung cấp các tư liệu, tài liệu có liên quan đến bản thân cá nhân của từng thành viên, từng gia đình trong dòng tộc hoặc các thành viên trực hệ đã qua đời.
Dĩ nhiên gia phả này do kẻ hậu bối đang sưu tầm và ghi chép sẽ không tránh khỏi những sai sót, nhầm lẫn nhất định. Kính mong các cụ cao niên và các thành viên trong họ theo gia phả này chỉ giáo, bổ sung và hiệu đính để ngày càng hoàn thiện.
Xin chân thành cám ơn.
PHẦN THỨ NHẤT
Theo lối chiết tự, chữ Trần còn có thể đọc là Đông A (vì được ghép từ hai chữ Đông (東) và A (阿)). Mặc dù, đã có nhiều nghiên cứu về xuất xứ của họ tộc Trần nhưng cũng chỉ giới hạn trong những giả thuyết. Trong sử cũ có ghi chép họ Trần xuất phát từ năm 227 trước công lịch ở đất Mân (Phúc Kiến - Trung Quốc). Nếu chiếu theo cách tính một thế hệ của người Việt trung bình là 23,5 năm đến 25 năm thì bây giờ họ Trần ta đã truyền đến đời thứ 12 (có thể còn hơn nữa). Thử làm một phép tính về thời gian một thế hệ mà khoa học lịch sử chứng minh giới hạn từ 23,5 năm đến 25 năm. Như vậy, thời gian từ đời thứ nhất đến đời thứ 12 là: 23,5 x 12 = 282 năm, nếu tính 25 thì được: 25 x 12 = 300 năm. Như vậy những tổ tiên đầu tiên của họ Trần vào đất Quảng vào khoảng 2008-282=1726 hoặc 2008-300=1708. Như vậy, họ Trần ta phải vào đất Quảng nam phải trước năm 1847. Theo lịch sử hình thành các dòng họ ở Quảng nam thì đợt di dân trước 1671 bao gồm tù binh chiến tranh của hai họ Trịnh-Nguyễn (số này rất nhiều), thứ đến là các cuộc di dân tự phát, lính thú ở lại, bị ép buộc di dân…v.v. Kể từ sau 1671 thì hai họ Trịnh-Nguyễn thôi chiến tranh, lấy sông Gianh làm ranh giới Nam Bắc, về sau những cuộc di dân chấm dứt, tù binh cũng không còn. Có thể có một số dân vượt biên bằng đường biển, đường núi nhưng chắc chắn số lượng không đáng kể và không đủ để tạo nên vấn đề. Với những thư tịch lịch sử cũ thì ông Tổ họ Trần có nguồn gốc từ Đông triều, Chí Linh, sau đó dời về Nam định nhưng liền một đời sau thì một nhánh chuyển về Thái bình sau đó mới theo con đường Nam tiến. Đối chiếu với những những tư liệu sử của dòng họ để lại cho rằng chúng ta có cội nguồn từ Thanh hóa. Những nghiên cứu lịch sử khác thì cho rằng ông Thủy tổ chúng ta di cư trực tiếp từ Thái bình vào. Đây là vấn đề mà chúng ta và con cháu sau này (hoặc có thể nhờ các nhà nghiên cứu sử học) nghiên cứu để đưa ra kết luận chính xác.
Ông thuỷ tổ tộc Trần Văn xứ Thai La, làng Bất Nhị (nay là xóm Thai La, thôn Nhị Dinh, xã Điện Phước, Điện Bàn, Quảng Nam) được biết qua sự kể lại của các bậc tiền bối thì ban đầu 3 anh em Ông Trần Văn Mịch (có chổ ghi Mạc), Trần Thị Ri, Trần Văn Mưu từ đâu vùng đất Thanh Hoá di cư vào Nam và đến xứ Thai La, làng Bất Nhị để lập nghiệp.
Đến đời ông Trần Văn Trường (tức Lệ) thuộc đời thứ 4, ông Trường đã lập phổ hệ vào năm Tự Đức thứ 7 (năm giáp dần) tức là vào năm 1854. Trong cuốn phổ hệ này ông Trường đã ghi chép lại từ đời ông Thuỷ tổ (ông Trần Văn Mịch) đến đời thứ 6, nhưng các đời thứ 5 và thứ 6 không được đầy đủ (mà sau này ông Trần Văn Thuỳ đời thứ 8 đã lập bổ sung), đồng thời cuốn phổ hệ này cũng bị mai một và mối xông (theo phổ hệ của Ông Trần Văn Thuỳ ghi lại) nên nhiều chổ đọc không được rõ.
Sau nhiều năm loạn lạc và chiến tranh triền miên, đến năm Quý Tỵ (1953) Ông Trần Văn Thuỳ (Ông Tri Tâm) đã căn cứ vào phổ hệ của Ông Trần Văn Trương để sao chép lại và đã dày công tìm hiểu để bổ sung đến đời thứ 10, nhưng đời thứ 9 và đời thứ 10 cũng còn thiếu nhiều và đồng thời có nhiều chổ không được rõ ràng, thậm chi có chổ lệch lạc (trên cơ sở các bản phổ do Ông Trần Văn Nhân, Ông Trần Văn Ninh, Ông Trần Văn May, Ông Trần Văn Phụng, Ông Trần Văn Phận lưu giữ và giao lại người lập gia phả này)