Mẹ chồng tôi năm nay đã 82 tuổi. Mẹ tôi họ Tô - người làng Phú Nhi Sơn Tây; Bố tôi họ Trần – quê Thuận Thành, Bắc Ninh…Mẹ là người đã nhen nhúm trong tôi những ý tưởng đầu tiên về việc viết lại gia phả của dòng họ Trần. Ông bà nội chồng tôi có 16 người con, nhưng chỉ đậu được có 5 người, Mẹ tôi là con dâu gánh trưởng, Mẹ sinh thành được 11 người con và một tay Mẹ nuôi dạy các con trưởng thành, tuy các con của Mẹ không “xưng Đế, xung Bá” gì, nhưng nhà nào cũng tốt cành, xanh ngọn, hoàn thành nghĩa vụ với Nhà nước. Bố tôi là người ưa hoạt động, Bố tôi đã từng tham gia Biệt động Thành và làm việc trong mặt trận Việt Minh từ năm 1945. Mẹ là người đảm đang, tần tảo, một lòng toàn tâm, toàn ý với gia đình nhà chồng và rất chăm lo cho việc thờ cúng Ông Bà Tiên Tổ. Chính sự tần tảo, cần mẫn của Mẹ với lời dạy đáng ghi nhớ “Thương người như thể thương thân” đã theo trong tâm trí tôi đi suốt cuộc đời. Trong một lần về thăm Bố Mẹ đẻ, tôi tình cờ gặp một người cháu họ sang chơi và đưa cho Bố Mẹ tôi xem sơ đồ gia phả của dòng họ. Cho đến tận bây giờ tôi vẫn còn giữ được cảm xúc trào dâng khi thấy có tên mình trong tờ sơ đồ gia phả đó, một cảm giác ngập tràn tự hào, cái tự hào rất dân tộc, bình dị và sâu lắng. Nay, mỗi lần đến thăm Mẹ chồng, nghe Mẹ thường nhắc đến ngày giỗ của các bậc Tổ tiên, tôi chợt thấy thương cho đôi vai của Mẹ. Hàng năm, từ đám giỗ của Cụ Cao Cao Tổ khảo 7 đời (Thất Tổ) về trước, đến cái giỗ của cô em chồng tôi tất thảy là 15 đám giỗ... Tôi chợt nghĩ đến, nếu một mai Mẹ về già với Tiên Tổ, các con, các cháu sau này liệu có còn ai nhớ hết và làm giỗ được chu đáo như Mẹ không, hay lại vin vào cuộc sống mưu sinh bon chen hiện tại để mà “chót” quên, qua quýt xin các Cụ xá tội cho?. Một lần, bâng khuâng trước bàn thờ Tổ có từ rất lâu đời, khói hương nghi ngút với một ngai vàng đầu rồng và 4 Bài vị, chân linh của các bậc Cao Tổ và nhiều bát hương, tôi đã hỏi Mẹ xuất sứ về 4 bài vị đó. Mẹ nói rằng, chỉ nghe Ông nội chồng của Mẹ cho biết là bàn thờ này của Ông Bà nội của Ông để lại - Tức là bàn thờ này có từ thời Kỵ Cao Tổ 6 đời của gia đình Mẹ, nhưng từ đó đến nay không ai biết trong bài vị đó viết gì, và trật tự của các bài vị đó thế nào?. Vậy là tôi quyết định tìm hiểu về viết gia phả. Tôi và chồng tôi trình bày với Mẹ ý nguyện của mình và xin phép Bố Mẹ cho chúng tôi được viết gia phả của dòng họ. Bố Mẹ tôi hội ý với gia đình và các Chú Thím, em ruột của Bố tôi, mọi người đều nhất trí và ủng hộ chúng tôi. Với tôi, đây là một điều hết sức thú vị và hào hứng, mặc dù tôi cũng gặp phải một số phản ứng về bên gia đình chồng. Dẫu sao tôi chỉ nghỉ là tôi sẽ làm được điều gì đó có nghĩa cho gia đình nhà chồng và để trả ơn nghĩa sinh thành của Bố Mẹ tôi. Ngày 6/4 âm 2008, cả gia đình nhà chồng tôi về quê để thắp hương trước 4 ngôi mộ các cụ Tổ tại Đầm Bầu, thôn Đào Viên, làng Dí Thượng, xã Nguyệt Đức, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, để xin phép các Cụ Tổ cho vợ chồng tôi được viết lại gia phả dòng họ. Những ngày sau đó, như được mách bảo, được sự đồng ý của Bố Mẹ chồng và Chú ruột chồng tôi, tôi có mời một thầy giáo dạy chữ Nho về dịch lại ra chữ Quốc ngữ nội dung của 4 bài vị trên bàn thờ Tổ. Thật kỳ lạ thay, trong bài vị của Cụ có vị trí cao nhất: Cao Tổ Khảo lại mang họ Trịnh: 1/ “ Cao Tổ khảo Trịnh quí công, huý Duyên Xuyên phủ quân. Cao Tổ tỷ Trịnh công chính thất Nguyễn Thị, hiệu Từ thiện nhụ nhân”. 2/ “Tằng Tổ khảo Trần quí công, huý Văn Môn, hiệu Phúc Cẩn phủ quân. Tằng Tổ tỷ Trần công chính thất Nguyễn Thị, huý Tài …(chữ không rõ nét), hiệu Từ …(chữ không rõ nét) nhụ nhân”. 3/ “Hiền Tổ khảo Trần quí công, huý Tú Trung, hiệu Phúc Trọng phủ quân. Hiền Tổ tỷ Trần công chính thất Dương Thị, huý Cố (Hoặc Viên), hiệu Từ Viên phu nhân. Hiền Tổ tỷ Trần công kế thất Nguyễn Thị, huý Nhu … (Không rõ nét), hiệu Từ Cứu phu nhân”. 4/ “Hiền khảo Trần quí công, huý Văn Minh, hiệu Thuỷ kính phủ quân. Hiền Tỷ Trần công chính thất Đào Thị, huý Lý, hiệu Từ Viên phu nhân”. Trước bút tích từ ngàn xưa để lại này, cả gia đình nhà chồng tôi đều hết sức bất ngờ và ngạc nhiên. Mẹ tôi nói rằng từ khi Mẹ về làm dâu, chưa từng bao giờ Mẹ nghe nói dòng họ Trần của nhà chồng mình có gốc là họ Trịnh. Tôi đã nghiên cứu nhiều tài liệu viết về họ Trịnh: Hoàng Lê Nhất Thống Trí; Dòng dõi Chúa Trịnh (trong trang Wikipedia tiếng Việt); Khâm Việt Đại Sử Thông Cương Giám Mục; Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, Việt Nam gia phả, Trịnh gia chính phả, Các triều đại Việt Nam, họ Trịnh và kinh thành Thăng Long… Để có cơ sở liên tưởng tới Cụ Thuỷ Tổ họ Trịnh và lý giải vì sao các Cụ Cao Tổ họ Trịnh lại phải đổi họ cho con cháu sang họ Trần, có 2 giải thích: 1/Theo bài viết trên Việt nam Gia phả “ Nguồn gốc họ người Việt: Họ các triều đại: Ða số người Việt mang một họ trong số 16 dòng họ đã từng cai trị lẫy lừng trong lịch sử. Theo thứ tự niên đại, đó là những họ Thục, Trưng, Triệu, Mai, Khúc, Lý, Phùng, Kiều, Ngô, Ðinh, Lê, Trần, Hồ, Mạc, Trịnh và Nguyễn. Hoặc họ là con cháu thật sự của những dòng họ kể trên, hoặc họ xử dụng như mượn họ hoặc bị bắt buộc mang những họ đó nhưng khác họ thật. Có gia đình tự ý đổi lấy họ đương triều để chứng tỏ sự trung thành. Có người do nhà vua ban cho như Nguyễn Trãi có lúc đổi tên là Lê Trãi theo họ nhà vua. Một số khác bị bắt buộc phải đổi họ của triều đại vừa bị lật đổ để lấy họ đương triều để chứng giám lòng trung thành với triều đại mới. Trong nhiều trường hợp, triều đình bó buộc dân gian bỏ họ gốc để lấy quốc tính để tránh những nhóm phản động có ý lật đổ triều đình hay làm loạn đưa người họ triều triều đại vừa bị lật đổ vào cho có lý do chính trị (ý trời, "thuận thiên"). Nhà Nguyễn thời Gia Long và MInh Mạng đã bắt những người họ Lê đổi họ thành Nguyễn chỉ vì thời đó những kẻ cầm đầu những phong trào phản động mang họ Lê: Lệ Riêng họ Nguyễn, còn là họ triều đại quân chủ cuối cùng, có thêm một lý do khác khiến họ này trở nên thông dụng nhưng lại khó hiểu dưới mắt người Tây phương. Ðời Trần Thái-Tông (1232), sau khi đã đoạt ngôi nhà Lý, Trần Thủ Ðộ lấy lý do tổ nhà Trần tên Lý, đã bắt tất cả những người họ Lý là họ dòng vua vừa bị hoán vị, lẩn dân gian, phải đổi làm họ Nguyễn; tuy nhiên ý đồ thật sự là khai tử dòng vua Lý để sẽ không còn ai nhớ đến dòng họ Lý nữa. Ngoài ra, có người cải đổi tên họ vì trốn sưu thuế, trốn lính hoặc bất đắc dĩ phải đổi lấy họ đương triều vì ông cha bị tội hình như "tru di tam tộc" - cũng là lý do tại sao ngày xưa khi đi thí phải khai họ ba đời. Có người đổi họ vì một lý do riêng tư khác. Như Hàn Thuyên vốn họ Nguyễn, được vua Trần ban cho họ Hàn vì ông làm bài văn ném xuống sông khiến cá sấu bỏ đi, như chuyện Hàn Dũ bên Trung Hoa trước đó. Và vì Hàn Thuyên hay làm thơ phú bằng quốc âm nên về sau các nhà văn học sử có khi gọi thơ văn chữ Nôm là thơ văn "Hàn luật". Hoặc như Hồ Quý Ly tổ tiên gốc người Chiết Giang (Trung Hoa) sang nước ta định cư, đến tổ tiên đời thứ tư là Hồ Liêm làm con nuôi nhà họ Lê nên đổi lấy họ Lê. Nhưng khi Hồ Quý Ly dấy nghiệp, ông lấy lại họ Hồ và đặt cả quốc hiệu là Ðại Ngu vì ông nhận làn dòng dõi nhà Ngu. Hoặc vì kiêng tên húy của vua chúa, nhiều người phải đổi họ, như ông trạng Hoàng Nghĩa Phú (1511), tổ tiên vì kiêng tên vua Lý mà đổi ra họ Trịnh, rồi lại phải đổi ra họ Trần; đến đời Trần Khắc Minh mới đổi lấy lại họ Hoàng. Vua Quang Trung Nguyễn Huệ vốn họ Hồ và dòng dõi Hồ Quý Ly, sau lấy họ mẹ là Nguyễn. Cùng trường hợp với Nguyễn Quang Bích là cháu đời thứ hai của Ngô Quyền”...Như vậy, liên tưởng tới thời gian năm xuất thân Cụ Cao Tổ Trịnh Duyên Xuyên (1767) và năm sinh của Chúa Trịnh Bồng (13/7/1746), đời chúa cuối cùng trong lịch sử Việt Nam, mất ngôi tháng 9 năm 1787, cùng nằm trong khoảng thời gian ấy, cùng chung một địa phương được sử sách ghi nhận là nơi còn sót lại hậu duệ của Cụ Trịnh Bồng (Cũng có thể là hậu duệ dòng dõi Trịnh Kiều-Bắc Ninh), ta có thể mạnh dạn luận đoán Cụ Cao Tổ Trịnh Duyên Xuyên có khả năng là con cháu rất gần của Cụ Chúa Trịnh Bồng, phải đổi họ để tránh sự truy sát sau cuộc tranh giành quyền lực lúc bấy giờ giữa một bên là Đinh Tích Nhưỡng - dưới quyền Chúa Trịnh Bồng và Nguyễn Hữu Chỉnh - duới quyền Vua Lê (đời Vua Lê Mẫn Đế - Lê Chiêu Thống). Có thể họ Trịnh dòng Chúa lúc bấy giờ phải đổi họ, đổi quê quán, để tồn tại và duy trì hậu duệ. Tuy nhiên, cũng có một thực tế trong lịch sử về việc đổi họ này là do trong dòng họ tộc nhà Chúa, có một số ít con cháu có ý phản nghịch, muốn cướp ngôi vị làm chúa, khi bị phát giác cũng buộc phải cải sang họ của mẹ…, nghiên cứu sử sách, gia phả của gia tộc dòng họ Trịnh trong khoảng thời gian này, không có bà phi nào mạng họ Trần, do vậy trường hợp gia tộc ta đổi họ Trần, không phải do phản nghịch mà đổi. Sử sách cũng ghi lại rằng, có trường hợp: Em ruột các Bà Thái phi, hoặc các bà quận Chúa, khi lấy chồng, cũng đổi sanng họ Chúa. Ví dụ như trường hợp của “quận chúa Trịnh Thị Ngọc Qua là con gái trưởng, chị ruột của Đức Tấn Quang Vương, gả cho quan Đại tư đồ Gia quận công (không rõ họ tên cho theo họ là Trịnh Lân”- Đời thứ 10, hoặc Em ruột Bà Thái phi họ Vũ đời thứ 12 “ Suy trung Dực vận Công thần Đồng tham tụng Trung roanh Khuông quân roanh Đô đốc phủ Chánh đô đốc Thự phủ sự kiêm Tôn nhân phủ Hữu tôn chính Đại tư đồ gia Bỉnh trung công Vũ Tất Trấn vâng cho theo họ Trịnh là Trịnh Thiết cũng như vương thân vậy”. Điều này cũng có thể lý giải được là sau khi Nhà Trịnh thất thể, rất có thể những trường hợp đổi sang họ Trịnh trên đây, sẽ đổi quay lại về họ gốc của mình. Tất cả những sử liệu trên cho thấy việc thay đổi họ để thích nghi với điều kiện sinh tồn lúc bấy giờ là có thực và rất khó có thể xác định được dòng họ gốc, thời gian xảy ra sự kiện của các trường hợp đổi họ. Trong hoàn cảnh đổi họ của gia tộc ta, nếu suy luận từ căn cứ là 4 bài vị trên bàn thờ Tổ, chúng ta chỉ có thể nhìn nhận là Cụ Cao Tổ mang họ Trịnh, con cháu chúng ta mang họ Trần và cũng chưa thể xác định chính xác trong 2 họ Trịnh & Trần, họ nào là họ gốc. 2/ Theo sách “Họ Trịnh & kinh thành Thăng Long” NXB Hà Nội tháng năm 2008; "Dòng họ Trịnh trải qua nhiều năm xưng bá…. Cây gia phả đã lan toả rất rộng trên khắp các vùng miền…" Như vậy, tuy chưa có cơ sở nào để xác định chính xác vị trí của Cụ Cao Tổ khảo Trịnh Duyên Xuyên của gia đình nhà ta ở chi nào, nhánh nào trong cây phả hệ của gia tộc họ Trịnh, nhưng có một điều không thể phủ nhận được là Cụ Cao Tổ khảo (bảy đời - Thất tổ) dòng họ gia đình ta mang họ Trịnh. "Thích độ nhân miễn tam đồ khổ Thoát cửu huyền thất tổ siêu phương " (Ðại ý là giáo lý đức Phật Thích-ca hoá độ chúng sanh để thoát khỏi ba đường khổ: địa ngục, ngạ quỷ và súc sanh, và có khả năng cứu thoát cửu huyền và thất tổ được siêu thăng). Có lẽ vì câu trên quá cô đọng nên bản Việt ngữ của Tiến sĩ Lê Mạnh Thát (trang 392), vẫn giữ nguyên như vậy, và phần dưới có chú thích ngắn gọn về bốn chữ "cửu huyền thất tổ" như sau:"Cửu huyền: Chín đời: Cao, tằng, tổ, cha, mình, con, cháu, chắt, chít. Thất tổ: Bảy đời: Cao, tằng, tổ, cao cao, tằng tằng, tổ tổ, cao tổ." Mặc dầu trong các từ điển, chúng tôi không thấy có chữ "huyền" nào có nghĩa là "đời" cả, nhưng qua quá trình Việt Hoá, chữ nầy được hiểu như là "đời", và có lẽ nên dịch là "thế hệ" thì chính xác hơn". Chín thế hệ trên, nếu phiên âm bằng chữ Hán thì được viết như sau: Cao - Tằng - Tổ - Khảo - Kỷ - Tử - Tôn - Tằng - Huyền. Như vậy, nếu lấy thế hệ mình làm chính thì tính ngược lên bốn đời và tính xuống bốn đời thành ra chín đời. Một vị Hoà Thượng mà người viết có duyên học hỏi đã giải thích rằng, sở dĩ gọi chữ "Huyền" ở đây vì chữ "Huyền" trong "cửu huyền" này vốn có nghĩa là "đen", vô lượng kiếp chúng sanh luân hồi sống chết, khi thân xác này rã rời, phân ly, trả về cho tứ đại, những chất tinh tuỷ xương máu và thịt tan rã, huỷ hoại đều biến thành màu đen nên gọi là "huyền". Bởi chín thế hệ vần xoay, sống chết như vậy nên gọi là "cửu huyền". Thất Tổ: Là bảy ông tổ. Tổ là Ông nội của đời mình; đi ngược lên sáu đời nữa gọi là thất tổ. Như vậy, chữ "cửu huyền" bao quát hơn chữ "thất tổ". Vì "thất tổ" chỉ cho các thế hệ đi trước, còn "cửu huyền" không những chỉ cho bốn thế hệ trước mà còn nhắc đến bốn thế hệ sau nữa. Chính vì vậy, nơi thờ phụng những vị quá vãng còn được gọi là "Nhà Thờ Cửu Huyền" (viết bằng tiếng Việt), thỉnh thoảng dùng bốn chữ "Cửu Huyền Thất Tổ" (viết bằng chữ Hán). Sau khi đi nhiều nơi: Bắc Ninh, Thanh Hoá, Hải Phòng… tự tìm hiểu và nghiên cứu nhiều tài liệu, tôi thật sự rất xúc động vì đã có được một khoảng thời gian khá dài để tìm hiểu về dòng họ nhà chồng tôi. Tôi xin chia sẻ niềm vui này với Mẹ. Rất có thể trong ai đó hẳn sẽ không được hài lòng lắm về nguồn gốc của mình, nhưng trong sâu thẳm về tiềm thức họ vẫn có một cội nguồn, một gốc rễ. Tôi cũng rất muốn mọi người quan tâm đến việc khôi phục gia phả dòng họ, xin hãy chia sẻ cùng tôi những điều tôi chưa được biết rõ về gia phả của dòng họ nhà mình. Hiện tại tôi đã viết được cây gia phả dòng họ Trần, gốc Trịnh, gồm 11 đời, từ đời Thuỷ Tổ đến đời con cháu, gồm 86 gia đình và 116 người con cháu. Dù chưa xác minh được rõ ràng về cụ Thuỷ Tổ của dòng họ, song chúng con tạm bằng lòng về hiện tại những gì mình đã có, tự hào là con cháu của Ông Tổ bảy đời (Thất tổ). Đó là một dòng tộc có thuỷ tổ từ rất lâu rồi (Cách đây khoảng 233 năm) - Chỉ bấy nhiêu thôi, chắc các Cụ Cao cao Tổ của dòng họ cũng phải tự hào vì con cháu của mình rất có hiếu, rất có tâm nhớ về cội nguồn. Một lần nữa, con xin cảm ơn Bố Mẹ, các Chú Thím và cảm ơn anh Trịnh Đăng Thiện – Phó Chủ tịch Hội đồng hương tỉnh Nghệ An, đã giúp con thực hiện ý nguyện viết lại gia phả này. Xin chân thành cảm ơn vì lòng nhân ái! Hà nội, ngày 26/08/2008. Con dâu dòng họ Trịnh.(Đời thứ 9) - Cửu Huyền. |