Họ Nguyễn Lưu Quang là một trong bốn họ Nguyễn ở làng Thượng Cốc (hay còn gọi là làng Bình Đê), xã Gia khánh, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương. Làng Thượng Cốc vốn là một làng cổ đã có từ lâu đời ở đồng bằng Bắc bộ, làng có bốn họ Nguyễn là: Nguyễn Đức, Nguyễn Ngọc, Nguyễn Văn Trạch và Nguyễn Lưu Quang. Làng vốn có truyền thống khoa bảng, đã sản sinh ra nhiều danh nhân nổi tiếng từ xưa xư cụ Nghè Nguyễn Đình Tân, Dã Lan Nguyễn Đức Dụ, Phó Thủ tướng Lê Thanh Nghị v.v... Cả bốn họ Nguyễn trong làng hiện đều có Từ đường riêng.
Trong bốn họ Nguyễn nói trên thì họ Nguyễn Lưu Quang là một họ lớn, khởi thuỷ từ Thuỷ tổ Nguyễn Huệ Đạo phủ quân- năm Thuận Thiên thứ hai- 1429 truyền đến nay đã được 17, 18 đời. Không biết ý tứ của các tiền nhân khi chọn tên gọi "Lưu Quang" để đặt cho họ mình như thế nào; tuy nhiên hiểu theo nghĩa trực tiếp là: "Ánh sáng còn lưu lại"- thiển nghĩ các bậc liệt tổ, liệt tông muốn nhắn nhủ với hậu thế rằng: "Hãy sống cho trong sáng để khi có khuất núi rồi thì cái đức vẫn còn truyền lại đến mãi mãi các đời sau" ?.
Họ có truyền thống hiếu học, có nhiều người đỗ đạt và có nhiều cống hiến cho đất nước. Theo gia phả được ghi chép lại: Tổ đời thứ 9 nguyên quan Điện tiền tri sự Nguyễn Tiến Quý, gia phong Công đại phu, chức Tả Thân vệ là quan nhị phẩm thuộc triều Hậu Lê; các Tổ đời thứ 6 Nguyễn Pháp Thống nguyên quan Ất đường huyện Thiên bản và Thúc Tổ đời thứ 7 Nguyễn Nho Hoàn nguyên quan Thiêm sự Bộ Hình đều thuộc hàng quan tam phẩm; ngày nay họ có ông Nguyễn Minh Thu là thứ trưởng Bộ Xây dựng... Tuy nhiên theo tổng kết thì người trong họ làm nghề "thày" là nhiều nhất như: Thày giáo, thày thuốc, thày ký, thày phán v.v... Có thể nói đó là những nghề cao quý của xã hội và có đóng góp rất hiệu quả cho đất nước, cho dân tộc đồng thời cũng làm vinh danh cho họ tộc.
Một truyền thống hết sức đáng quý nữa của họ là tinh thần tương thân tương ái giữa các thành viên, giữa các chi phái trong họ với nhau. Cho đến nay con cháu họ Nguyễn Lưu Quang không chỉ sinh sống sau bốn luỹ tre làng mà đã đi xa, bay cao đến nhiều miền đất khác, từ Bắc vào Nam, cả trong nước lẫn ngoài nước. Nhưng dù ở bất cứ nơi đâu các thế hệ con cháu của họ vẫn luôn hướng về cội nguồn, luôn tự hào là hậu duệ của một dòng họ có truyền thống tốt đẹp và luôn đoàn kết thương yêu giúp đỡ lẫn nhau.
Từ đường của họ nằm ngay cạnh Giếng Cầu- một trong hai ngôi giếng cổ của làng. Nằm trên một mảnh đất vuông vắn, hướng về phía Đông và được xây dựng từ TK XIX, năm 1931 được trùng tu lần thứ nhất, năm 1995 con cháu xa gần cung tiến tôn tạo lại trở nên vững chắc, khang trang và đẹp đẽ hơn. Tuy nhiên hầu hết đồ thờ tự, bài vị, hoành phi câu đối đều từ đời trước truyền lại như những di sản hết sức quý báu mà các bậc tiền nhân để lại cho con cháu hôm nay.
Gian giữa của từ đường là gian thờ chính, trên bàn thờ có ba khám thờ trong đặt bài vị của Thuỷ tổ và các liệt tổ, liệt tông. Phía bên trên là bức đại tự: "HỘI NGUYÊN TÔN THỐNG" - nghĩa là: "hội tụ những truyền thống tốt đẹp để tôn vinh". Hai bên là đôi câu đối làm năm Đinh Sửu- 1937: "Nghĩa chỉ, nhân cơ, Tổ triệu tông bồi tự tích; Văn khoa, vũ lược, Lê tiền Trần hậu hối kim"- nghĩa là: "Nền có nghĩa, gốc có nhân, Tổ xây Tông đắp truyền lại mãi; Văn có đỗ, võ có mưu, (từ) cuối Trần, đầu Lê (con cháu) làm rạng rỡ thêm". Ở hai cột phía ngoài có đôi câu đối làm năm nhâm Ngọ- 1942: "Lịch đại triệu bồi, kinh đức cơ cầu Lê dĩ hậu; Tứ thời hiến hưởng, thư hương tấu giả Nguyễn nhi kim"- nghĩa là: "Trải mấy đời từ Lê tới nay tổ tiên đã vượt khó xây nên chữ đức; (Để cho con cháu) bốn mùa được thụ hưởng, thời Nguyễn này nổi tiếng bằng đèn sách".
Gian bên trái của từ đường dành để thờ hậu, phía trên có bức đại tự làm từ năm Canh Thìn 1880: "CƠ CỪU TẾ MỸ"- nghĩa là: "Khi được ban áo cơ, áo cừu (tức sự thành đạt) thì phải làm cho tốt đẹp hơn lên".
Gian bên phải Từ đường dành để thờ các Liệt sĩ người trong họ đã hy sinh trong các cuộc đấu tranh vì nền độc lập của Tổ quốc; phía trên có bức đại tự: "TRUY VIỄN BAN"- ngiã là: "Tìm về những dấu tích xa xưa của ông cha để lại để kế thừa và phát triển". Trên hồi bên phải của từ đường có bức đại tự: "ĐỨC LƯU QUANG"- nghĩa là: "Đức còn sáng mãi" và đôi câu đối: "Tổ công, Tông đức thiên niên thịnh; Tử hiếu tôn hiền vạn đại xương"- nghĩa là: "Tổ có công, tông có đức nghìn năm thịnh vượng; Con có hiếu, cháu thảo hiền muôn đời hanh thông".
Ngoài ra tại Từ đường còn lưu giữ một số hiện vật từ xưa cũng như do con cháu gần đây cung tiến như: bia đá, lư hương, độc bình v.v...
Mộ của Thuỷ Tổ dòng họ nằm trên một gò đất cao tương truyền là hình con phượng hoàng ở xứ Mả Cả đồng Trước làng Thượng Cốc, đã được con cháu trong họ xây dựng lại năm 1995; không hào nhoáng, cầu kỳ mà rất giản dị, trang nghiêm và bền vững.
Cuốn Gia phả này trước đây được ghi chép bằng chữ Hán, đã được cụ Nguyễn Khắc Tiếu (đời thứ 13) dịch ra quốc ngữ và được con cháu các đời sau bổ cứu thêm. Nay được Hội đồng gia tộc đồng ý ông Nguyễn Khắc Nguyệt (đời thứ 15) tổng hợp lại và đưa lên mạng ngõ hầu thông tin rộng khắp cho con cháu mọi nơi, đặc biệt là những con cháu lưu lạc tha phương có điều kiện chắp nối tìm về với cội nguồn. Tuy nhiên do họ có nhiều chi phái, sinh sống phân tán nên việc tập hợp dữ liệu chi tiết cá nhân gặp nhiều khó khăn nên trước mắt sẽ đưa lên phả hệ đồ đến đời thứ 15, từ đời thứ 16 và phần chi tiết cá nhân sẽ tiếp tục cập nhật sau.
Rất mong con cháu gần xa và tất cả những ai quan tâm liên hệ với ông Nguyễn Khắc Nguyệt hoặc các thành viên Hội đồng gia tộc hiện thời.