GIA

PHẢ

TỘC

HỌ
NGUYỄN
-
HÒA
MỸ
-
TÂY
HÒA
-
PHÚ
YÊN
Gia phả  Phả ký  Thủy tổ  Phả hệ phả đồ  Tộc Ước  Hương hỏa  Hình ảnh 
VIẾT VỀ GIA SỬ CỦA DÒNG HỌ
NGUỒN GỐC HỌ NGUYỄN TIỀN HIỀN THÔN PHÚ NHIÊU XÃ HÒA MỸ ĐÔNG HUYỆN TÂY HÒA TỈNH PHÚ YÊN


Tổ tiên ta là người Miền Bắc Việt Nam dần dần tràn xuống phía Nam theo lịch sử Nam tiến, mở rộng bờ cõi, ngày càng đông phải di dân lập ấp xuống phía Nam lấn Chiêm Thành vì dân tộc này thiểu số đất rộng người thưa. Khi chúa Nguyễn Hoàng đem quân trấn thủ đất Thuận Hóa tổ tiên ta cũng theo từ đó. Theo truyền miệng của ông bà thì họ chúng ta cũng có người làm quan võ đời nhà Nguyễn kinh đô ở Huế rồi sau đổi dần vô Bình Định tức tỉnh Nghĩa Bình bấy giờ. Khi hết làm quan về hưu rồi gia cảnh cũng suy sụp lúc đó tại làng Biểu Chánh thuộc huyện An Nhơn tỉnh Bình Định. Mấy đời không rõ…trước đó thì không biết chỉ biết từ đời
ông NGUYỄN VĂN LƯỢNG sinh hạ
ông NGUYỄN VĂN PHONG và vợ là bà HUỲNH THỊ ĐỖ là ông bà thủy tổ của họ NGUYỄN ta
Ông NGUYỄN VĂN PHONG và bà HUỲNH THỊ ĐỖ sinh hạ được 5 người con trai
• Nguyễn Văn Vĩnh : Liệt sĩ
• Nguyễn văn Cảnh : Liệt sĩ
• Nguyễn văn Thuận :
• Nguyễn Văn Hòa :
• Nguyễn Văn An :
Lúc ấy trong nước có giặc Xiêm quấy nhiễu ở Miền Nam khoảng năm…..Ông Nguyễn Văn Vĩnh tòng quân vào Nam để đánh giặc bảo vệ thành Gia Định đã hy sinh
Rồi đến ông Nguyễn Văn Cảnh cũng tiếp tục lên đường để bảo vệ Tổ Quốc sau cũng hy sinh ở trong Nam. Chiến tranh còn tiếp diễn làng lại đòi ông Nguyễn Văn Thuận đi tòng quân nữa. Đã có 2 người con hy sinh mà làng xóm không nghĩ đến hoãn cho, ông bà buồn tình bỏ xứ ra đi vào Phú Yên để sinh sống
Lúc ra đi thì ông Nguyễn Văn An con út còn nhỏ nên qua đèo Cù Mông và Vịnh Xuân Đài ông phải cõng trên vai vào đến thị xã Tuy Hòa để định cư. Gia tài chỉ một gánh và mấy mang đồ nghề làm cốm kẹo. Hồi ấy ở Phú Yên chưa có ai biết chế biến đường làm cốm kẹo nên ông bà ta mới độc chuyên nghề ấy ( có thể nói là ông tổ cốm kẹo ở Phú Yên)
Nhờ nghề ấy mà sinh kế đủ ăn mặc và cho ông An ăn học còn ông Thuận ông Hòa lớn phải đi lên ngả Phong Niên làm thuê đem tiền bạc về có dư.
Nhờ chuyên nghề cốm kẹo thuê người gánh đi bán khắp nơi ở thôn quê từ Tuy Hòa đến Phú Xuân ( là địa danh cũ của thôn Phú Nhiêu) . Sau làm ăn giàu có nhờ bàn tay lao động giỏi có kế hoạch
Ông thủy tổ NGUYỄN VĂN PHONG ở tại Tuy Hòa mãn đời sau khi mất mộ ông bà chôn ở bến đò Lò Vôi trên động cát sau cầu Ông Chừ trên đường quốc lộ sau cầu mới sau này nơi đó giải tỏa cất kho thuốc lá nên gò mả này phải dời. Năm ấy con cháu trong họ xuống cải táng lấy cốt đem về làm lễ an táng long trọng tại Hóc Xoài núi Hương bây giờ
• Ông NGUYỄN VĂN PHONG
• Chính kỵ ngày 25 tháng 6 âm lịch hàng năm
• Bà HUỲNH THỊ ĐỖ
• Chính kị ngày mồng 8 tháng 6 âm lịch hàng năm
Nói đến ông NGUYỄN VĂN AN lớn lên lấy vợ ở Tuy Hòa bà Phạm Thị Bằng không con mà giàu có, khi đi bán cốm kẹo đến đây thấy làng Phú Xuân điêu tàn hoang vắng chỉ có năm ba cái nhà lụp xụp lều tranh vách đất một nhóm nhỏ ở gần Bầu Hương đầu lòi gần Vạn Lộc để nương tựa, một nhóm nhỏ ở gần suối qua Xuân Mỹ còn 95% đất đai là rừng, gò đồi núi gần Bầu Hương cọp còn ở cây cối sầm uất um tùm đồng bằng toàn là đế tranh cây cỏ hoang dại , một mình không dám đi lại. Thấy Phú Xuân đất đai rộng mà không có ai khai khẩn quản lý nên ông bà ta có chí lớn muốn lập lại làng xóm mới đưa đơn lên Huyện xin lập lại làng Phú Xuân .Quan huyện sở tại không cho hầu hạ đến năm bảy lần cũng không được . Thấy chế độ phong kiến quá quan liêu nên ông bà bất mãn lắm. May thay lúc ấy có ông tả quân Lê Văn Duyệt là người tướng đem 500 quân vào Nam kỳ để bình định và khai hóa Miền Nam khi đi ngang qua Tuy Hòa bà Phạm Thị Bằng nghe vậy đội đơn ,bạch quỳ giữa đường chặn đòan quân lại mặc dù người lính đi đầu giơ gươm dọa rằng: “sao bà dám chặn lối đi của tướng Lê Văn Duyệt” tên lính đòi chém mà bà không chút sợ hãi người ấy trở lại tâu với chủ tướng rằng : “Có người đàn bà chẳng biết có sự oan ức gì mà đội đơn bạch chặn giữa đường kêu ca” tướng đòi bà lại hỏi bà lạy hai lạy rồi kể đầu đuôi sự việc của bà đã lắm phen xin lên quan trên mà không xét nguyện vọng. Tướng Lê Văn Duyệt nghe bày tỏ sự việc mới cho lệnh đòi quan huyện, tỉnh lên hỏi: “người ta có khả năng xin lập lại làng xóm mà tại sao các chú không cho! Tôi kỳ cho các chú trong vòng một tháng mà không giải quyết xong thì các chú phải rơi đầu” Mấy quan lại sợ chết nghe nói không dám tâu báo nửa lời .Từ đấy đơn trương của ông bà xin lập lại làng xóm được chấp thuận và đổi tên lại là làng PHÚ NHIÊU
Lúc bấy giờ bà mời đoàn quân ông Lê Văn Duyệt ở lại để bà hậu đãi để tỏ lòng biết ơn song ngài từ chối để lo việc hành quân. Bà bẩm rằng: “Khi nào Ngài ra nhớ báo trước để bà chuẩn bị hậu đãi 3 ngày”. Được tiếp xúc với ông tướng khi ấy bà đã trở nên có uy tín với làng, tổng. Bà liên hệ với quan huy động tổng sức dân làm lúa gạo và xuất tiền bạc của bà mua sắm thực phẩm rượu trà và sau đó quân của tướng Lê Văn Duyệt trở ra bà mở tiệc chiêu đãi 3 ngày đêm để đền đáp công ơn

NGƯỜI ĐỨNG RA LẬP LÀNG PHÚ NHIÊU
• Nguyễn Văn Thuận
• Nguyễn Văn An
• Phạm thị Bằng
• Nguyễn Văn Thanh ( Ông bà Ảnh, Húc, Sâm)
• Nguyễn Văn Nghị (Ông bà lên, Lớn, A)
• Ngô Văn Hòa ( Ông bà Thượng lộc)
SỰ PHÂN CÔNG
• Ông Nguyễn Văn An làm Lí trưởng
• Ông Nguyễn Văn Thuận và ông Nguyễn Văn Thanh đồng công kiến ấp quy dân lo công việc khai hoang tăng gia sản xuất có ăn và nộp thuế cho nhà nước
• Ông Nguyễn Văn Nghị và ông Ngô Văn Hòa ra đi bộ đội để bảo vệ Tổ quốc
Thuở ấy ở Nam bộ có giặc Xiêm quấy nhiễu , nhà nước mới động viên nhập ngũ gọi là “Tây Thành Bộ Dụ” vào Nam để bảo vệ thành Gia Định. Ông Nghị hy sinh ông Hòa lo mai táng giữ lời hứa khi ra đi sống chết có nhau. Sau 3 năm mãn ngũ ông Hòa mang hài cốt ông Nghị về đến quê nhà con cháu an táng lại. Thật là tình chung thủy ngày xưa danh thơm còn lưu mãi
TRUYỀN THỐNG CỦA ÔNG BÀ TA
1-Truyền thống cần cù lao động sản xuất :
Sau khi thiết lập làng Phú Nhiêu, ruộng đất còn hoang hóa nhiều chỉ có vài nơi có nghiệp chủ. Ông bà ta phải bỏ tiền ra mua mãi và hầu hết là do bàn tay lao động khai khẩn đất hoang. Đất rộng người thưa phải quy dân hễ ai đến nhập dân thì cắt cho mỗi hộ 5 mẫu ruộng khai khẩn nên tục gọi là “Ngũ mẫu” ai ra đi lính để bảo vệ Tổ Quốc thì cấp cho 2 mẫu ruộng tốt thì gọi là “Rộc lính”
Lập quỹ Công hương điền có 100 mẫu ruộng làng và nổ lực khai khẩn thành 200 Ha ruộng đất canh tác ở thôn Phú Nhiêu ngày nay. Chúng ta là những người thừa hưởng “Ăn quả nhớ người trồng cây” lớp này thừa kế lớp trên vẫn giữ vững lao động nghề nông tục ngữ có câu “Nhất sĩ nhì nông hết gạo chạy rông nhất nông nhì sĩ”
2- Truyền thống đạo đức
Ông bà chúng ta cũng có nhiều người học giỏi uyên thâm đạo đứcngày xưa “ Nhân ,lễ, nghĩa ,trí, tín” của nam nhơn “ Công, dung, ngôn, hạnh” của nữ nhi
Về cựu học tiêu biểu như ông Nguyễn Chi học giỏi mà thi hương đến 3 lần mà không đậu vì ảnh hưởng gia đình ông cha là Hộ tịnh lập ra gánh hát bộ Phú Nhiêu tục gọi là gánh hát ông Hộ do đó quan trường chấm thi cho là “Xướng ca vô loại” nên mặc dù giỏi vẫn không lấy được bằng cử nhân
Ông Nguyễn Quế đậu Khóa sanh và nhiều học trò thi nữa….
Văn học ngày xưa lấy chữ nho làm gốc nên có học phải có hạnh ông bà ta làm việc thiện nhiều hơn, cũng có một số ít người làm điều ác nhưng rồi cũng ăn năn hối hận
Ngày nay con cháu chúng ta thừa kế ảnh hưởng những điều tốt ấy và tiếp thu đạo đức cách mạng, văn minh thời đại theo lịch trình tiến hóa của xã hội loài người
Văn học dân gian có câu hát xuất xứ ở đây:
“ Tiếng đồn Hộ tịnh giàu lâu
Cưới con Thông lí đưa dâu bằng bò”
Và “ Ở có đức không sức mà ăn,
Ở vô đạo không gạo mà nấu”
3- Truyền thống yêu nước chống xâm lăng
Bất cứ thời đại nào hễ có xâm lăng khi nghe tiếng gọi thiêng liêng của Tổ Quốc thì con cháu chúng ta sẵn sàng lên đường để bảo vệ Tổ Quốc
Trong thời kì chống Pháp đô hộ có ông Nguyễn văn Tịnh đã từng tham quân trong phong trào thư xá . Ông Nguyễn Chi cùng các sĩ phu yêu nước trong tỉnh lãnh đạo phong trào kháng sưu ở địa phương, đã có nhiều liệt sĩ đã hy sinh nằm xuống để làm thành trì bảo vệ giang sơn gẫm vóc này con cháu chúng ta mãi mãi nối gót tiền nhân
“ Làm trai cho đáng nên trai
Xuống đông đông tĩnh lên đoài đoài yên”
QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN CỦA HỌ NGUYỄN
Chúng ta đi từ quá khứ đến hiện tại

• Ông Thủy tổ NGUYỄN VĂN LƯỢNG ( Làng Biểu Chánh( Tùng Chánh) huyện An Nhơn ,Bình Định hiện còn mộ ở đó)
Sanh hạ
Ông NGUYỄN VĂN PHONG ( Vào Tuy Hòa khoảng năm 1770-1870)
Vợ.bà HUỲNH THỊ ĐỖ
Sanh hạ còn 3 người con trai sau thành 3 phái
• Phái nhất : Ông Nguyễn Văn Thuận (Anh cả về ở với em lập làng từ đó khoảng 170 năm)
• Phái nhì : Ông Nguyễn Văn Hòa(ở lại Tuy Hòa sinh sống giàu có sau bị cướp nên sa sút sau con cháu còn một nhánh ông Hòa ra ở Phước Hậu Chóp chài sinh sống theo quê ngoại một chi nhánh ông Tiền về ở với chú bác tại Phú Nhiêu sau một nhánh lên Thạch Thành là ông Nguyễn Lẽ ở quê vợ)
• Phái ba : Ông Nguyễn Văn An ( Về lập làng Phú Nhiêu khoảng 1820 thời Minh Mạng)
• PHÁI NHẤT : Ông Thuận hầu hết ở Phú Nhiêu một chi nhánh ông Khánh ra ở Phước Thành quê ngoại
• PHÁI BA : Ông An đều ở Phú Nhiêu ngày nay mở mang con cháu đi khắp nơi Nha Trang, Đà Lạt, TP Hồ Chí Minh, Hà Nội…để sinh sống lập nghiệp phục vụ xây dựng Tổ Quốc
MỤC ĐÍCH LẬP GIA PHẢ:
Sinh thời ông bà ta có lập gia phả và phổ ý không biết khởi đầu từ năm nào nhưng thời gian trùng tu khoảng 30 năm một lần. Lần sau vào năm 1956 đến nay trên 30 năm vì chiến tranh bị tiêu hủy hôm nay họ chúng ta trùng tu gia phả Họ để :
1- Con cháu biết lai lịch ông bà và nguồn gốc HỌ NGUYỄN
2-
3- Gắn kết sự liên hệ bà con trong họ Nội , Ngoại
4- Biết ông bà lớp trên để con cháu khỏi đặt tên trùng lập
5- Họp mặt con cháu xa gần để biết nhau thắt chặc mối đoàn kết, thân ái chung lo việc gia đình và xã hội
6- Cung kính ngày giỗ ông bà để tỏ lòng biết ơn “ chim có tổ người có tông; cây có cội nước có nguồn”
Mặt khác chúng ta ôn lại truyền thống nhân nghĩa, đạo đức của ông bà vì đạo đức là phẩm chất của con người từ ngàn xưa và có lẽ mãi mãi về sau ai cũng tôn trọng “ Thiên kinh vạn điển, hiếu nghĩa vi tiên” nghĩa là Ngàn kinh muôn sách cũng lấy hiếu thảo và nhân nghĩa làm đầu
Ngạn ngữ có câu : “ Tu đâu không bằng tu nhà
Cung kính cha mẹ ấy là đi tu”
Chúng ta phải quan tâm đến ông bà cha mẹ báo hiếu ơn sâu vì thời gian trôi qua như dòng nước chảy không bao giờ trở lại việc lỗi lầm khi ăn năn thì sự đã rồi
“ Cây muốn lặng mà gió chẳng dừng
Con muốn nuôi mà cha mẹ chẳng còn”
Chúng ta ôn lại bài ca không bao giờ quên:
“ Cây có gốc mới trở thành xanh ngọn
Nước có nguồn mới bể cả sông sâu
Người ta nguồn gốc từ đâu
Gốc từ Tiên tổ rồi sau có mình
Công Tiên tổ tác thành từ trước
Con cháu sau mới được hiển vinh
Ta nên giỗ tết kính thành
Trông nom phần mộ tỏ lòng biết ơn”

Phú Nhiêu ngày 11 tháng 6 năm Đinh Mão



Phả ký : ........................................................ (đang cập nhật thông tin) ........................................................................................................................................Ghi chú :1- Nhờ bà con trong gia tộc họ Nguyễn :+ Bổ sung thành viên gia đình tiếp theo (bổ sung thành viên mới đầy đủ và theo thứ tự để xưng hô hay goi cho đúng thứ) + Bổ sung thông tin có thay đổi về nơi ở của thành viên+ Bổ sung các thông tin khác còn thiếu hoặc chưa có * Các thông tin bổ sung hoặc chỉnh sữa xin gửi theo địa chỉ Email đã ghi ở trang đầu tiên (trang gia phả)2- Thành thật xin lỗi nếu có sai sót trong quá trình cập nhật, tôi nhận lỗi và chỉnh sữa ngay rất mong sự thông cảm qúy bậc tiền nhân.Nếu thiếu sót do quá trình thu thập hoặc ghi nhận thông tin của các bậc tiền nhân, tôi nhận trách nhiệm tìm hiểu và hỏi lại các bậc tiền nhân để hoàn chỉnh hoặc thông báo lại người đề nghị.Tôi rất mong muốn gia tộc được lưu gữi mãi mãi, các thành viên gia đình phải biết để : bảo ban, hổ trợ nhau trong những điều kiện hoàn cảnh khó khăn phù hợp với điều kiện của mình, hết lòng và tâm đắc cho 01 gia tộc của mình. Biết gia tộc để noi gương việc tốt, trong gia tộc đã có người hy sinh bảo vệ tổ quốc, góp 01 phần rất nhỏ cho Tổ Quốc, để mới có ngày hôm nay cho chúng ta, có những tấm gương vượt khó học tập đạt thành tích cao đóng góp cho quê hương, tổ quốc và mang về niềm vinh hạnh cho gia tộc.Không thể nói nhiều. Xin tạm dừng tại đây.Bắt đầu cập nhật từ ngày 08/10/2015 (26/08 ất mùi)
Gia Phả HỌ NGUYỄN - HÒA MỸ - TÂY HÒA - PHÚ YÊN
 
     
Toàn bộ thông tin trong gia phả, là thuộc bản quyền của tộc HỌ NGUYỄN - HÒA MỸ - TÂY HÒA - PHÚ YÊN.
Mọi sự trích dẫn phải được phép của người quản lý đại diện cho tộc HỌ NGUYỄN - HÒA MỸ - TÂY HÒA - PHÚ YÊN
Mọi thiết kế, hình ảnh trong trang web này, là bản quyền của Việt Nam Gia Phả.