GIA

PHẢ

TỘC

Bùi

Thôn
Kim
Hoàng,
Vân
Canh,
Hoài
Đức
Gia phả  Phả ký  Thủy tổ  Phả hệ phả đồ  Tộc Ước  Hương hỏa  Hình ảnh 
Chi tiết gia đình
Là con của: Bùi Xuân Thuần
Đời thứ: 15
Người trong gia đình
Tên Bùi Xuân Chương (Nam)
Tên thường
Tên Tự
Ngày sinh 11/9/1932
Thụy hiệu  
Hưởng thọ: 91  
Ngày mất 9/1/2022  
Nơi an táng Nghĩa trang Xã Vân Canh  
Sự nghiệp, công đức, ghi chú

Tốt nghiệp Đại học dược, kiêm họa sỹ vẽ cây thuốc Việt Nam

1937-1945: Học trường Tiểu học Nguyễn Du

1947-1954 Học tại trường Trung học Chu Văn An

1955-1960 Học trường Đại học y dược - khoa dược

1960-1968 Làm việc tại Ty y tế tỉnh Vĩnh Phúc, phụ trách dược chính ty và dược chính bệnh viện

1968-1971 Trạm trưởng trạm kiểm nghiệm Vĩnh Phú (Phú Thọ)

Bằng cấp: 1960 Dược sỹ, 1985 Dược sỹ chuyên khoa II

 

Cụ đã từng được nước bạn Cu Ba mời sang làm việc 2 lần vào năm 1981 và 1982, mỗi lần 3 tháng để giúp bạn điều tra dược liệu và làm cuốn sách dược liệu cho nước bạn với 199 hình vẽ minh họa

Cụ đã sang công tác tại Lào 6 tháng (giữa 2 đợt đi Cu Ba) giúp bạn điều tra cây thuốc và vẽ hình minh họa cây thuốc cho sách cây thuốc của nước bạn

Cụ đã cùng các bạn đồng nghiệp in khá nhiều sách cây thuốc (cụ chịu trách nhiệm phần hình vẽ minh họa), cụ thể:

  1. Sổ tay cây thuốc do nhà xuất bản y học đã tái bản 3 lần (1973, 1976, 1980)
  2. Cây thuốc Việt Nam in 2 thứ tiếng Việt và Anh ngữ năm 1990 do tổ chức y tế thế giới tài trợ (cuốn này đã được nhiều nhà in khác xuất bản lậu trong miền Nam)
  3. Medicine traditionnelle et pharmacopée I và II, hai cuốn này do Alliance Francaise tài trợ 1991-1993, tranh minh họa được giáo sư Vidal khen ngợi trong thư gửi Viện dược liệu
  4. Cây thuốc bài thuốc và biệt dược do nhà xuất bản y học năm 2000, cuốn này hình vẽ màu đạt trình độ quốc tế
  5. Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam 3 tập khổ A4 năm 2003, đã tái bản 1 lần do nhà xuiất bản khoa học và kỹ thuật in

 Ngoài ra còn viết nhiều bài cho báo Dược học, những đề tài nhầm lẫn trong dược liệu như các vị thuốc Mã tiền, Hoàng tinh, Ba gạc và đặc biệt là vị Sơn tra của ta bán ra nước ngoài với tên khoa học của Sơn tra Trung quốc, góp phần xác định chính xác tên khoa học dược liệu việt Nam

Cụ đã được giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học và công nghệ, đồng tác giả công trình khoa học: Atlas quốc gia Việt Nam, Huân chương kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng II

Ngoài chuyên môn, Cụ còn một thú vui say mê Chim bồ câu, cá cảnh và cây thủy sinh, cụ đã từng là Chủ tịch danh dự Hội sinh vật thủy sinh Hà Nội và được Hội tôn vinh. cụ là người đã phát hiện ra loài cá cảnh mới có tên "Chỉ vàng", một loài Kim tơ của Việt Nam tên khoa học: Tanichthys micagemmae ở Ké Bào, Quang Hanh, Cẩm Phả, Hà Cối Quảng Ninh và nhiều loài cây thủy sinh chi Cryptocoryne ở Việt Nam, và đã dịch nhiều bài viết về Tảo, Rêu trong bể thủy sinh cho trang WEB aquabird.com.vn

Hiện tại con cái đều đã phương trưởng, 2 cụ sống cuộc sống thanh bình ung dung, Thật là ngưỡng mộ.

Hình chụp mới nhất (ngày 3 tết Canh dần 2010)

Cùng cụ bà Mai Thị Hợi trước loài hoa yêu thích

 

Chụp hình với con, cháu:

- Với 3 người con

 

- Với các con, cháu nội, ngoại

 

Trang "Họ Bùi Việt Nam" http://hobuivietnam.com đã có trích dẫn giới thiệu về cụ Chương:

http://hobuivietnam.com/index.php?nv=News&at=article&sid=127

Dược sĩ Bùi Xuân Chương và bản quyền 1.000 tranh cây thuốc

[02.12.2007 10:01]
Hiểu biết về dược thảo, lại có năng khiếu vẽ, gần 50 năm qua, dược sĩ Bùi Xuân Chương là người đầu tiên đi khắp mọi miền đất nước tìm và vẽ lên nhiều bức tranh độc đáo về cây thuốc. Đến nay, ông đã có hàng nghìn họa phẩm đen trắng và gần 500 họa phẩm mầu được in trong các tuyển tập sách về cây thuốc Việt Nam như: Sổ tay cây thuốc, Cây thuốc Việt Nam, Cây thuốc- bài thuốc biệt dược, Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam I, II...

Vừa vẽ vừa đợi cây ra quả

Thừa hưởng gien họa sĩ của dòng họ Bùi (ông là em họ của họa sĩ Bùi Xuân Phái (Vân Canh, Hoài Đức, Hà Tây) ông say mê vẽ từ thuở bé, nhất là các nhân vật trong Tam quốc chí. Mỗi lần có khách đến chơi, bố ông thường bảo ông ra vẽ các nhân vật trước mặt khách.

Lớn lên học trung học ở trường Bưởi, một tuần có một buổi học vẽ trên lớp, ông luôn được điểm cao vì vẽ nhiều tranh biếm họa hay. Ông cũng từng dành ba tháng hè đi học những khái niệm cơ bản về hội họa do thầy Lương Xuân Nhị dạy.

Nhưng mẹ ông lại buồn phiền khi thấy con mình suốt ngày theo nghiệp vẽ vời. Chiều lòng mẹ, ông thi vào Đại học Dược, chuyên ngành Thực vật và Dược liệu. Tại trường, các GS Vũ Văn Chuyên, Đỗ Tất Lợi đã thường xuyên khuyến khích ông vẽ các cây thuốc và dược liệu.

Sau này qua sách của các thầy, ông đã thấy tranh vẽ của ông - dù là phác thảo vẫn được các thầy sử dụng.

Tốt nghiệp đại học năm 1960, ông làm công tác Dược chính ở bệnh viện Vĩnh Phúc, rồi phòng Hóa học (trạm kiểm nghiệm Vĩnh Phúc).

Cuối cùng chuyển về Viện Dược liệu, công tác tại phòng điều tra sưu tầm. Được mọi người khuyến khích và tạo điều kiện, ông mải mê vẽ. Dần dần quen tay, các bản phác thảo ngày càng dày lên, đẹp ra. Người xưa có câu "nhất nhân nhì mộc" (khó nhất là vẽ người, thứ nhì là vẽ cây) không biết có đúng vậy không? Nhưng với ông Chương, để hoàn chỉnh một bức họa về cây thuốc có khi mất ba, bốn ngày và tốn khá nhiều giấy nháp.

Bởi ông phải tìm hiểu xem cây thuốc đó họ gì, chi nào, loài nào. Phải tìm hiểu tại sao nó lại được đặt tên khoa học như vậy. Rồi đọc tài liệu có liên quan đến cây đó sao cho hình vẽ là một bài mô tả chữ khiến cho người xem nhìn như cây thực mới giúp tìm kiếm cây thuốc thuận lợi.

Nhiều loại cây có những bộ phận thân, cành, na ná giống nhau, phải vẽ sao cho chính xác đến từng chi tiết nhỏ. Với những loại cây thuốc to có thể lựa chọn một cành dễ nhận biết nhất để vẽ, với cây nhỏ thì vẽ minh họa cả cây. Cây nào có hoa, có quả, hay có củ... thì cũng phải vẽ minh họa luôn ra bên cạnh để tổng quát một cây thuốc. Có cây thuốc hoa nhỏ li ti, mắt thường không nhìn thấy gì, phải lấy kính lúp ra soi mới vẽ được. Có cây thuốc phải một năm mới vẽ xong vì phải đợi cây ra quả! Với ông, khó khăn nhất là vẽ hoa, vì phải mổ xẻ ra vẽ các chi tiết bên trong dưới kính hiển vi, đòi hỏi nhiều thời gian.

Đi khắp Việt Nam, Cuba, Lào vẽ cây

Ông Chương đã đi đến khắp mọi miền đất nước (trừ Cà Mau là chưa đến) để vẽ tranh về cây thuốc. Trên đường công tác có nhiều lương y nhiệt tình dẫn đường tìm cây thuốc. Cụ lang Vũ Hỷ (dân tộc Tày, Lạng Sơn) còn sưu tầm hàng loạt các cây thuốc đem về trồng tại vườn nhà đến khi ra hoa, quả cụ lại nhắn ông lên vẽ. Ở Nghĩa Lộ (Yên Bái) có một cánh đồng rộng, bà con trồng nhiều cây thuốc quý. Nhưng ở đó nhiều ruồi vàng kinh khủng, nó mà cắn một cái là đau điếng người. Sợ ruồi "khủng bố", ông phải mua màn mắc giữa cánh đồng vẽ những bức phác thảo đen trắng, tối về nhà tô màu. Nhiều khi mải mê vẽ trong rừng, vắt cắn mà không biết, vẽ xong người đẫm máu. Có những cây khó vẽ, hoặc có những chuyến công tác tìm được nhiều cây quá, ông phải ngâm cây vào dung dịch cho tươi rồi vẽ dần dần.

Năm 1982 và 1983, hai lần ông được mời sang Cuba giúp bạn điều tra cây thuốc. Lần thứ nhất sang, suốt sáu tháng ròng ông đi hầu khắp đất nước Cu Ba (từ La Habana đến Santiago de Cuba) tìm kiếm cây thuốc và vẽ cho các đề tài nghiên cứu. Lần thứ hai sang, ông chỉ ngồi tại chỗ, mẫu vật được cung cấp đầy đủ. Vẽ được 199 cây thuốc, đến cây thứ 200 thì không kịp vì đã cận ngày về để đi Lào.

Vừa rồi một người bạn Cuba (tên Victor Fuentes) sang Việt Nam cho biết những bức họa của ông đã được in thành sách.

Quá trình điều tra ở Lào ông cũng vẽ giúp bạn rất nhiều tranh cây thuốc. Cây thuốc ở Lào cũng như Việt Nam, nhiều cây có mẫu sẵn, nên ông vẽ rất nhanh. Ông còn được Sir Atan đại diện cho WHO mời sang Ấn Độ, nhưng không thực hiện được.

Có người bạn khuyên ông cứ vẽ rồi công bố dần từng họ cho các cây thuốc, nhưng ông chỉ chuyên chuyện vẽ. Viết về một cây thuốc phải có tranh minh họa, tranh minh họa càng chi tiết càng có tính khoa học.

Năm 1971, cùng với dược sĩ Đỗ Huy Bích ông đã ra cuốn Sổ tay cây thuốc (NXB Y học). Cuốn này được tái bản ba lần các năm sau đó. Đến năm 1990 là cuốn Cây thuốc Việt Nam - Medicinal Plants in Vietnam được Tổ chức Y tế thế giới tài trợ in bằng hai thứ tiếng Việt- Anh. Tiếp đến là cuốn Medicine Traditional et Pharmacopédia I và II (Y học cổ truyền và dược điển), toàn bộ tranh vẽ minh họa là do ông thực hiện. Rồi nữa là tham gia vẽ tranh cho cuốn Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam I và II với gần 1.000 cây thuốc và 60 động vật làm thuốc, trong đó có nhiều cây dược liệu mới. Để hoàn thành 1.000 bức tranh mầu đó, ông đã phải dùng đến năm chiếc bút kim (vẽ những nét nhỏ nhất), nhờ mua tại Mỹ với giá 35 USD một chiếc.

Và những nỗi niềm trăn trở

Ông đã thấy những bức tranh về cây thuốc của mình, được phóng to, được đóng khung, được lồng kính trưng bày trong các hiệu thuốc nhưng không có tên tác giả. Người ta còn sao tranh ra bán cả trong các cửa hàng lưu niệm, làm bìa cho những cuốn sách về y dược và cũng chẳng cần hỏi ý kiến ông. Một lần mua tem thư, ông thấy hàng loạt bức họa của mình được chuyển thành tem do họa sĩ Lương Nhi vẽ.

Ông đến Công ty tem khiếu nại (vì ông cũng từng là cộng tác viên, thỉnh thoảng có vẽ những bức họa để gửi in tem), giám đốc trốn không gặp.

Tranh về cây thuốc của ông còn được thể hiện trên bao bì thuốc Dogarlic của Công ty XNK Y tế Đồng Tháp, thuốc "Diệp hạ minh châu" của Công ty Dược phẩm 2-9... nhưng chẳng ai nói đến trả tiền tranh cả.

Mới đây trong chương trình Người đương thời, bà giám đốc Công ty Cổ phần Traphaco phát biểu trên truyền hình rất bất bình về tình trạng ăn cắp bản quyền mẫu các sản phẩm thuốc như: "hoạt huyết dưỡng não", "trà gừng"... Bà yêu cầu các Công ty Dược liệu ngừng ngay việc sản xuất thuốc có mẫu nhãn tương tự mẫu sản phẩm này, trong khi tranh minh họa các mẫu sản phẩm đó là tranh của ông, thì bà coi như không biết.

Cả báo Sức khỏe và đời sống, tạp chí Cây dược liệu cũng thế. Hàng năm có rất nhiều bức họa của ông được đăng nhưng rất ít khi họ đề tên tác giả, chứ chưa nói đến tiền nhuận tranh. Gần đây, một cô phóng viên báo Sức khỏe và đời sống gọi điện đến xin phỏng vấn, ông nói ngay: "Cô đến đây đi, báo cô đăng tranh của tôi mà chẳng chú thích gì cả!".

Mặc dù đã bước qua cái tuổi thất thập cổ lai hy, không còn đi xa được nữa, nhưng ông vẫn vẽ những họa phẩm về cây thuốc cho Viện Dược liệu, cho dự án cây rừng của VQG Cúc Phương, dự án "thầy thuốc không biên giới"... Dù cho bây giờ (máy ảnh không thiếu, nhưng tranh vẽ minh họa cây thuốc vẫn là một nhu cầu không thể thiếu.

Thế nên thỉnh thoảng tìm được cây thuốc mới người ta lại nhúng nước, cho vào túi bóng "hỏa tốc" mang về cho ông vẽ. Ngoài tranh về cây thuốc ông còn vẽ tranh về các loại động vật để làm thuốc.

Cuốn Sổ tay cây thuốc lần đầu tiên xuất bản, vẽ còn thiếu kinh nghiệm nhìn rất thô, giấy cũ nhàu, vì ông đã mở đi mở lại rất nhiều lần để vẽ.

Nhưng các bức họa trong các cuốn sách xuất bản sau này rất rõ nét và độc đáo. Ông chỉ mong muốn mở được một triển lãm tranh để mọi người cùng chiêm ngưỡng vẻ đẹp độc đáo về cây thuốc Việt Nam qua tranh

 

Tạp chí Tia Sáng số ra 5.9.2006 có bài về cụ ca ngợi người "Vẽ Hoa Cỏ"

Ngưòi vẽ hoa cỏ
Việt Anh
Quãng 20 năm trở lai đây, khi thị trường tranh bột phát, hình ảnh người họa sĩ trong con mắt công chúng thay đổi.Từ đơn độc nhiều người mở những cuộc triễn lãm, thậm chí “trình diễn” ồn ã; từ túng thiếu nhiều người trở thành ông chủ của những phủ, nhà sàn, biệt thự… Nhưng tại một góc lặng lẽ của con phố sầm uất, có một họa sĩ hằng ngày vẫn tỉ mẫn với từng nét vẽ, hệt như hàng chục năm trước. Đó là họa sĩ Bùi Xuân Chương, người đã vẽ hàng nghìn bức cây cỏ, động vật hoang dã của Việt Nam.
Cuộc gặp đường đột, tôi được người nhà đưa vào trong lúc họa sĩ vẫn đang ngồi mãi mê vẽ. Trên chiếc mặt bàn rộng cũ kĩ, một nhành cây xanh biếc cắm trong cốc nước “5 cô-pếch”-tựa như bình cây đơn sơ. Dừng tay, ông giải thích đó là mẫu cây vừa hái sau chuyến đi xa về. Hơn 70 tuổi, ông vẫn thường xuyên có những chuyến đi xa như vậy để thu thập mẫu cây. Đi xa, hái vật mẫu và vẽ “sống” , đó là cách vẽ của ông, bí lắm thì mới phải vẽ qua tiêu bản, còn không bao giờ vẽ qua ảnh. Điều đó khiến những bức vẽ của ông vô cùng sinh động. “ Bây giờ nhiều anh ‘nhàn’ thật. Chỉ đi chụp phong cảnh, sau đó về nhà vẽ qua ảnh!” chỉ một cành cây trên khổ 6x9cm, ông phải phác thảo mấy bản, tốn cả ngày, có khi tới 3 ngày. Hàng nghìn hàng vạn mẫu cây, nhìn vậy mà không cây nào giống cây nào, chả thế mà người xưa nói “ Nhất nhân nhì mộc”, nghĩa là vẽ người khó nhất, sau đó đến vẽ cây cỏ. nhiều mẫu cây cỏ, ông phải soi kinh hiển vi để vẽ. Cứ cặm cụi tỉ mẫn như vậy, tập hợp số tranh của ông bao năm qua cũng gần đủ để làm một bộ bách khoa thực vật bằng hình.
“Nghiệp vẽ cây cỏ của ông vừa có duyên, vừa tình cờ. Có “gen” vẽ của gia đình, hồi nhỏ ông thường được bố bảo ra vẽ tranh Lã Bố, Quan Công cho khách xem. Hồi trước ông muốn học thành họa sĩ, nhưng mẹ ngăn lại, sợ ông nghèo! thế là ông thi vào ngành Dược, thời đó “ Nhất Y nhì Dược, tạm được Bách Khoa”. Hóa ra trường dược cũng có đất để ông bộc lộ sở trường. Bắt đầu là những cây thuốc trong giáo trình. Các bức vẽ của ông, cả phác thảo đều “bị” thầy giữ lại. những bức vẽ đó được các thầy đưa vào làm minh họa trong các sách của mình. Ra trường, ông được phân công công tác ở Trạm kiểm nghiệm thực vật tỉnh Vĩnh Phú. Công việc đi điều tra dược liệu cũng lại cần những bức vẽ của ông. Tiếng lành “có một dược sĩ vẽ rất đẹp” đồn xa, ông được tỉnh mời ra làm tất tật những việc gì liên quan đến hoa tay. Nhưng vẽ cũng có tai nạn nghề nghiệp. Trong một buổi học tập chính trị, có một cán bộ tỉnh ủy nói rất tục, ông Chương liền biếm họa mấy nét. Bạn bè trông thấy thì cười xòa, không dè một đồng nghiệp-có lẽ muốn tâng công- Đưa tin ông Chương nói xấu cấp trên. Vậy là kiểm điểm suốt mấy tháng, ông buồn tới mức quyết định bỏ bút.
“Tai nạn” như vậy, nhưng người khuyến khích ông không ít. Trước tiên phải kể đến dược sĩ Đỗ Huy Bích, người đã động viên ông kiên tâm theo đuổi nghiệp vẽ cây cỏ. Tiếp đến là cụ lang Hỷ người dân tộc Tày ở Lạng Sơn và cụ lang Hậu ở Bắc Thái, những người đã chỉ dẫn ông rất nhiều khi trèo đèo lội suối vẽ cây thuốc. 35 năm qua, với hàng nghìn bức vẽ trong các cuốn “Sổ tay cây thuốc” “Cây thuốc Việt Nam Medicinal Plants in Viet Nam” (WHO tài trợ in bằng 2 tiếng Anh, Việt), “ Medicine traditionelle et Pharmacopee” ( Y học cổ truyền và dược điển, Alliance Francaise tài trợ), đặc biệt là bộ sách đồ sộ 3 cuốn “ Cây thuốc và dông vật làm thuốc Việt Nam” , dường như người ta quên hẳn dược sĩ, mà chỉ biết đến một họa sĩ vẽ cây cỏ động vật tài hoa Bùi Xuân Chương.
Giờ về hưu, ông vẫn đi, vẫn vẽ, nhưng cây cỏ động vật hoang dã hiếm dần, nhiều lần ông phải tìm vẽ thú hoang trong các…nhà hàng dặc sản. Và ông vẫn gặp chuyện “bất bình”, như lần tình cờ thấy một bộ tem in tranh của mình song tác giả lại là…Lương Nhi. Khi đến công ty tem khiếu nại thì vị kia bào chữa rằng vì nghĩa vụ cho công ty nên phải làm vậy, còn tác giả thì …không cần biết đến! Xem truyền hình, giám đốc một công ty dược phàn nàn bản quyền thuốc của mình bị vi phạm, trong khi đó nhiền tranh trên vỏ hộp thuốc là của ông được công ty kia “điềm nhiên” sử dụng. Chưa kể báo, sách và vô vàn bưu thiếp in tranh của ông, không những không trả nhuận bút, mà còn xóa luôn chữ kí.
Vẽ cây cỏ, động vật là công việc vùa tài hoa vừa tỉ mẫn, vừa cần kiến thức chuyên sâu. Những bức vẽ của ông, nhìn xa thì rực rỡ,nhìn gần thì chi li với những sợi gân, nổi bậc đặc điểm của cây cỏ mà ảnh chụp không thể thay thế được. Họa sĩ chuyên nghiệp bây giờ chỉ vẽ tranh “cho Tây” , người thì mãi thể hiện “tư tưởng nghệ thuật”, chẳng có ai làm việc như ông; còn các dược sĩ có kiến thức về cây cỏ lại không mấy người có tài vẽ thiên phú.
Ông kể có lần vẽ cây Bách hợp trên đường đi Mù Cang Chải. Hoa Bách Hợp vốn được tả là không có hương, nhưng đêm ấy, trong căn nhà vách đất của người giáo viên vùng cao, ông mới thấy cánh hoa tỏa hương thật quyến rũ. Sau này biết ông là em họ của danh họa Bùi Xuân Phái, tôi đã hình dung, có lẽ “nghịêp vẽ” của ông cũng âm thầm như loài hoa Bách Hợp kia chăng?


Liên quan (chồng, vợ) trong gia đình
Tên Mai Thị Hợi (Nữ)
Tên thường
Tên tự
Ngày sinh 1935
Thụy hiệu  
Hưởng thọ 88  
Ngày mất 20/3/2022  
Nơi an táng Nghĩa trang Xã Vân Canh  
Sự nghiệp, công đức, ghi chú
Cụ bà quê ở thôn Thị Cấm, tốt nghiệp Đại học kinh tài. Học xong Đại học cụ làm việc tại Ty Tài chính tỉnh Vĩnh Phúc, sau về Hà Nội làm việc tại Công ty bách hóa bán lẻ rồi Sở Thương Nghiệp Hà Nội đến khi nghỉ hưu, cụ là người phụ nữ tần tảo, hết lòng vì chồng, con, cháu. Cụ về nghỉ hưu mở cửa hàng bán đồ điện gia dụng tại nhà. Cụ là người rất có trách nhiệm với việc họ của nhà chồng, không bỏ một dịp giỗ tổ nào và thường xuyên về quê chồng thăm nom họ hàng, chăm sóc phần mộ tổ tiên. Luôn nhắc nhở con, cháu không được thiết sót trách nhiệm, tham gia việc họ đầy đủ. Cụ về thăm nom phần mộ các cụ tổ tiên rất đầy đủ

Các anh em, dâu rể:
   Bùi Thị Khuê
   Bùi Thị Nhàn
   Bùi Thị Nhã
   Bùi Trọng Hiền
   Bùi Quý Sỹ
   Bùi Thị Khánh
Con cái:
       Bùi Mạnh Tiến
       Bùi Thị Bạch Yến
       Bùi Thị Phương Oanh
Gia Phả; Bùi ở Thôn Kim Hoàng, Vân Canh, Hoài Đức
 
     
Toàn bộ thông tin trong gia phả, là thuộc bản quyền của tộc Bùi ở Thôn Kim Hoàng, Vân Canh, Hoài Đức.
Mọi sự trích dẫn phải được phép của người quản lý đại diện cho tộc Bùi ở Thôn Kim Hoàng, Vân Canh, Hoài Đức
Mọi thiết kế, hình ảnh trong trang web này, là bản quyền của Việt Nam Gia Phả.