GIA

PHẢ

TỘC

HẬU
DUỆ
VUA
MINH
MẠNG
Gia phả  Phả ký  Thủy tổ  Phả hệ phả đồ  Tộc Ước  Hương hỏa  Hình ảnh 
Chi tiết gia đình
Là con của: ƯNG THIỀU
Đời thứ: 15
Người trong gia đình
Tên CÔNG TẰN TN PHÙNG KHÁNH (Nữ)
Tên thường
Tên Tự Pháp danh Tâm Hỷ
Là con thứ 5
Ngày sinh 09/03/1938 (Mậu Dần)
Thụy hiệu Pháp hiệu Thích Nữ Trí Hải  
Hưởng thọ: 66  
Ngày mất 2003  
Sự nghiệp, công đức, ghi chú

TIỂU SỬ NI TRƯỞNG THÍCH NỮ TRÍ HẢI

( 1938 - 2003 )

 

- Phó viện trưởng viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam

- Nguyên thư viện trưởng và Giám đốc An sinh xã hội viện Đại học Vạn Hạnh

- Nguyên Giảng sư Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh

- Trụ trì  tịnh thất Tuệ Uyển Vạn Hạnh, Liên Hoa, Diệu Không.

 

Ni trưởng Pháp danh Tâm Hỷ, Pháp hiệu Thích Nữ Trí Hải, thế danh Công Tằng Tôn Nữ Phùng Khánh.

 Sinh ngày 09 tháng 03 năm 1938 (Mậu Dần), tại Vỹ Dạ, tỉnh Thừa Thiên, thành phố Huế, nguyên quán Gia Miêu Ngoại Trang, Thanh Hóa.

 Xuất thân từ một danh gia vọng tộc nhiều đời thâm tín Phật Giáo, thân phụ là cụ Nguyễn Phước Ưng Thiều tự Mân Hương, Pháp danh Như Chánh, thuộc phủ Tuy Lý Vương, thân mẫu là cụ bà Đặng Thị Quê, Pháp danh Trừng Xuân. Ni trưởng là con thứ năm trong gia đình có sáu anh em.

 Bởi có túc duyên sâu đối với Phật pháp như thế, nên lúc còn là thai nhi ba tháng, Ni trưởng đã được sớm quy y Tam Bảo với đức Đệ Nhất Tăng Thống Tịnh Khiết. Ngôi chùa Tường Vân, Diệu Đức đã ươm hạt giống Bồ-đề cho người từ buổi thiếu thời vào những ngày còn học phổ thông. Ni trưởng với thiên tư thông tuệ, tài hoa, phẩm cách thanh cao đã nuôi chí xuất trần vào giữa tuổi hoa niên tươi đẹp.

Năm 17 tuổi đỗ Tú tài toàn phần, Ni trưởng đã muốn xuất gia nhưng cơ duyên chưa đến. Ni trưởng tiếp tục vào trường Đại học Sư phạm và sau khi tốt nghiệp, đi dạy trường Phan Chu Trinh - Đà Nẵng.

Năm 1960, Ni trưởng sang Mỹ du học và tốt nghiệp Cao học ngành Thư viện (M.A).

Cuối năm 1963, Ni trưởng về nước gặp lúc Viện Cao đẳng Phật học Việt Nam ra đời, đã cùng với em gái là Tôn Nữ Phùng Thăng vâng lời Hòa thượng Trí Thủ đến phụ tá Ni trưởng chùa Phước Hải, quán xuyến cư xá Nữ Sinh Viên và làm việc tại chùa Pháp Hội.

Năm 1964 Ni trưởng quyết dứt trần duyên, cắt tóc xanh, xuất gia y chỉ Ni trưởng Diệu Không tại chùa Hồng Ân. Huế và đã được thọ giới Sa-di Ni. Sau đó, Người được Giáo Hội cử làm thư ký cho Thượng tọa Viện trưởng Thích Minh Châu khi Viện Cao đẳng Phật học trở thành Viện Đại học Vạn Hạnh.

 Năm 1968, Ni trưởng thọ giới Thức-xoa-ma-na tại Nha Trang và được Thượng tọa Viện trưởng Viện Đại học Vạn Hạnh bổ nhiệm làm Thư viện trưởng và giám đốc Trung tâm An sinh xã hội của Viện. Từ đó Ni trưởng tham gia việc giảng dạy, dịch thuật, thuyết pháp cho sinh viên, Tăng Ni Phật tử tại Viện và thực hiện công tác An sinh từ thiện cho đồng bào bị thiên tai bão lụt và chiến tranh.

Năm 1970 Ni trưởng thọ Tỳ-kheo-ni và Bồ-tát giới tại Đại Giới đàn Vĩnh Gia tổ chức ở Đà Nẵng.

Khi Viện Phật học Vạn Hạnh được thành lập, Ni trưởng tiếp tục làm Giảng sư tại Thiền viện Vạn Hạnh rồi giảng dạy tại các trường Cao cấp Phật học và Học viện Phật giáo Việt Nam, phụ trách lớp Trung Bộ Kinh bằng Anh ngữ cho Tăng Ni sinh.

Ni Sư bị bắt trong đợt nhà nước đàn áp Tăng Ni và Phật tử thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất các năm 1984 và 1985: cùng bị bắt với Ni Sư đợt này là quý thầy Hòa thượng Đức Nhuận, các Thượng tọa Tuệ Sỹ, Trí Siêu (Lê Mạnh Thát), Nguyên Giác, Chơn Nguyên, Sư cô Thích Như Minh, các Cư sĩ Phan Văn Ty, Tôn Thất Kỳ, Lê Đăng Pha, Hoàng Văn Cường, Ngô Văn Bạch, v.v... Đến ngày 30.9.1988, toàn thể 21 người bị bắt mới đem ra xét xử trong một phiên tòa trá hình tại Saigon. Hai án tử hình dành cho hai Thượng tọa Tuệ Sỹ, Trí Siêu (Lê Mạnh Thát), hai án chung thân cho hai Cư sĩ Phan Văn Ty và Tôn Thất Kỳ... Sau vì áp lực quốc tế, nhà nước buộc ân xá hai án tử hình còn 20 năm tù... Khi Ni Sư rời nhà tù, mới lui về dịch kinh sách, và nhiều tác phẩm đã được Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam ấn hành.

Mở rộng công tác giáo dục, mỗi lần có dịp về Huế, Ni trưởng đều được thỉnh giảng ở các chùa Diệu Đức, Diệu Hỷ, Hồng Ân và phụ trách lớp Cảnh Sách.

Mỗi mùa An cư kiết hạ, Ni trưởng được mời thuyết giảng tại các trường hạ như Vĩnh Phước (ở Hóc Môn), chùa Phước Hòa và các Tự viện trong thành phố hoặc vùng xa như chùa Đại Giác ở Sóc Trăng.

Năm 1996 đến 1999 trường Trung cấp Phật học Long An, Ni viện Thiên Phước thỉnh Ni trưởng dạy Luật Tứ Phần Tỳ-kheo-ni và Bồ-tát giới.

Các Đại Giới đàn Minh Tánh (1996), Liễu Thiền (1999), Khánh Phước (2002) tổ chức tại Ni viện Thiên Phước - Long An đều cung thỉnh Ni trưởng làm Tuyên Luật sư và Trưởng Ban khảo hạch.

Năm 2003 Ni trưởng được cử vào Phó Ban khảo hạch Đại Giới đàn Thiện Hoa ở Từ Nghiêm.

Đầu tháng 12 năm 2003 Ni trưởng được suy cử Phó viện trưởng Viện Nghiên Cứu Phật học Việt Nam và Trưởng ban vận động tài chính.

Ngoài những hoạt động giáo dục, hoằng pháp, Ni trưởng còn dành nhiều thì giờ cho việc phiên dịch, biên soạn và in ấn kinh điển để giúp Tăng Ni, Phật tử có thêm tài liệu nghiên cứu học tập, mà tổng số lên đến cả trăm tác phẩm. Đặc biệt nổi tiếng là những bản dịch: Câu chuyện dòng sông của Đại văn hào Hermann Hesse, Gandhi tự truyện, Câu chuyện triết học, Thanh tịnh đạo luận, Thắng Man, Tạng thư Sống Chết, Giải thoát trong lòng tay. Ni trưởng còn trước tác một số tác phẩm khác mà quan trọng nhất là các bản Toát yếu Trung Bộ Kinh (3 tập).

Không những tham gia vào sự nghiệp văn hóa, giáo dục, cuộc đời Ni trưởng còn gắn bó mật thiết với thân phận của đồng bào nghèo khó yếu đau khắp mọi miền đất nước. Từ những ngày làm Giám đốc Trung tâm An sinh xã hội, Ni trưởng đã đeo đuổi sự nghiệp giúp người cho đến ngày cuối cùng của cuộc đời mình, dù có gặp gian khổ đến đâu.

Đầu tháng 3 năm nay, nhân khi đi cứu trợ đồng bào dân tộc tại xã Thống Nhất huyện Bù Đăng, Ni trưởng đã bị té, chấn thương cột sống suýt nguy đến tánh mạng. Nhờ sự chữa trị tận tình của các bác sĩ thân hữu và sự săn sóc chu đáo của các đệ tử, Ni trưởng đã dần dần bình phục. Trong lúc cơ thể bị đau đớn như thế, sắc mặt Ni trưởng vẫn tươi vui, luôn hoan hỉ với mọi người, không bỏ dở việc dạy học cho đệ tử và đã sáng tác một loạt những tập thơ Ngoạ Bệnh Ca, Báo Ân Ca để tỏ lòng cảm ơn những người thăm hỏi. Nội dung các tập thơ này tỏa sáng ánh trí tuệ và thơm ngát hương từ bi.

 Một chiều mùa đông Ni trưởng bận chút Phật sự đi Phan Thiết với ba em thị giả, trên đường trở về Ni trưởng cùng hai em đệ tử Tuệ Nhã và Phước Tịnh đều bị lâm nạn, Người đã Xả báo thân vào lúc 17 giờ ngày 14 tháng 11 năm Quý Mùi tức ngày 07 tháng 12 năm 2003, hưởng thọ 66 tuổi đời với 33 Hạ lạp; như một đóa Ưu-đàm tươi tắn ngát hương chợt bị bão tố vô thường cuốn đi vào cõi vô cùng, để lại bao nỗi ngậm ngùi đau thương cho những người ở lại.

 Nhưng không, hương vẫn ngan ngát thơm bay khắp muôn phương: hương giới đức, hương định tuệ, hương giải thoát của một đời Ni trưởng. Một tấm lòng rộng mở vì Phật Pháp, vì an vui cho mọi người và thương tưởng thế hệ tương lai. Dù có nói bao nhiêu cũng không đủ ngôn từ để diễn đạt hết điều đáng nói nhất về Ni trưởng.

 

NAM MÔ TỪ LÂM TẾ CHÁNH TÔNG, TỨ THẬP TAM THẾ, thượng TÂM hạ HỶ, hiệu TRÍ HẢI NI TRƯỞNG GIÁC LINH THÙY TỪ CHỨNG GIÁM.

Trích từ http://members.cox.net/nguon-dao/ND61/Tieusu_NiSuTriHai.htm


Liên quan (chồng, vợ) trong gia đình

Các anh em, dâu rể: Không có anh em
Con cái: Không rõ
Gia Phả; HẬU DUỆ VUA MINH MẠNG
 
     
Toàn bộ thông tin trong gia phả, là thuộc bản quyền của tộc HẬU DUỆ VUA MINH MẠNG.
Mọi sự trích dẫn phải được phép của người quản lý đại diện cho tộc HẬU DUỆ VUA MINH MẠNG
Mọi thiết kế, hình ảnh trong trang web này, là bản quyền của Việt Nam Gia Phả.