1. - THÂN THẾ VÀ SỰ NGHIỆP
Thế Tổ Cao Hoàng Đế húy là Nguyễn Phúc Anh ngoài ra còn có tên Chủng và Noãn (1), là con thứ ba của đức Hưng Tổ Hiếu Khang Hoàng Đế Nguyễn Phúc Côn và Hoàng Hậu Nguyễn Thị Hoàn. Ngài sinh ngày 15 tháng giêng năm nhâm ngọ (8-2-1762).
11.1.1. Thuở thiếu thời
Khi đức Hưng Tổ mất ngài mới bốn tuổi, đức Duệ Tông rất yêu thương đem nuôi ở trong cung. Lúc 13 tuổi gặp loạn năm Giáp ngọ (1774), quân Trịnh tấn công Thuận Hóa, ngài theo đức Duệ Tông vào Quảng Nam, năm sau đến Gia Định. Đức Duệ Tông giao cho ngài giữ chức Chưởng sứ, mỗi khi có việc quân thường được mời bàn tính và các tướng rất bái phục.
Năm Đinh dậu (1777) Sài Côn (Sài Gòn) bị quân Tây Sơn chiếm, đức Duệ Tông phải lánh mình vào Long Xuyên, sau đó đức Duệ Tông và Tân chính vương (Nguyễn Phúc Dương) đều bị hại, chỉ riêng ngài trốn thoát lánh mình ở đảo Thổ châu, rồi trở về tụ tập các tướng sĩ khởi binh ở Long Xuyên đánh lấy Sài Côn. Các tướng tôn ngài làm Đại nguyên súy Nhiếp chính quốc, lúc ấy ngài 17 tuổi.
1.2 Thời kỳ xưng vương
Năm Canh tý (1780), tướng sĩ tôn ngài lên ngôi vương ở Sài Côn, dùng ấn Đại Việt Quốc Nguyễn Chúa Vĩnh Trấn Chi Bửu. Từ năm Nhâm dần (1782) đến năm Bính Thìn (1786) quân Tây Sơn nhiều phen đánh phá Gia Định cố tâm hại cho được ngài. Ngài thất trận nhiều lần, có lúc bị vây ở Côn Lôn (2), có lúc lánh mình ra Phú Quốc rồi qua Xiêm đến hai lần phải gởi Hoàng tử Cảnh theo giám mục Bá Đa Lộc (3) sang Pháp cầu viện (4).
Đến năm Đinh mùi (1787) ngài trở về Long Xuyên, các tướng giỏi và nghĩa quân theo về rất đông nên thế lực mạnh dần. Tháng 8 năm Mậu thân (1788) lấy thành Gia Định, năm Canh tuất (1790) chiếm lại Bình Thuận.
Năm Nhâm tý (1792) ngài tự thân đi đánh Qui Nhơn nhưng cũng phông thành công. Từ đấy hằng năm cứ đến mùa gió nam ngài cho quân tiến ra đánh các tỉnh miền Trung, khi gió bấc nổi lên lại rút quân về Gia Định (5). năm Kỷ mùi (1799) ngài đánh Qui Nhơn lần thứ ba chiếm được thành đổi tên là Bình Định, giao cho Vũ Tính và Ngô Tùng Chu giữ. Bình Định ở vị trí lẻ loi khó tiếp viện, nên mùa thu năm đó quân Tây Sơn vây thành và chận đường tiếp viện phía nam. Nhờ Vũ Tính giỏi cố thủ nên thành không bị mất. Năm Canh thân (1800) ngàu tự thân đi cứu viện đánh nhau nhiều phen với quân Tây Sơn nhưng không giải được vây. Năm Tân dậu (1801) nghe theo lời khuyên của các tướng và nhất là lời tâu của Vũ tính (6), qua mùa hạ ngài theo đường thủy dẫn quân đánh Thuận Hóa. Ngày mồng một tháng 5 năm Tân dậu (1801) tiến quân vào cửa Tư Hiền, ngày mồng hai tiến đến Trường hà, ngày mồng ba (2-6-1801) thu phục lại Kinh đô cũ. Xa giá tiến vào Kinh thành, ngài cho thu ấn tín, niêm phong kho tàng của Tây Sơn và an định dân chúng.
Từ ngày giữ chức Đại nguyên súy đến lúc này trải qua 25 năm, ngài được 40 tuổi, nhiều phen vào sinh ra tử mới thu phục Kinh đô.
1.3 Thời kỳ xưng đế
Đến tháng tư năm Nhâm tuất (1802) ngài cho sửa chữa Hoàng thành, qua ngày mồng một tháng 5 chơ lập đàn ở xã An Ninh (nay là Kim Long, Hương Trà, Thừa Thiên) hiệp tế trời đất về việc đặt niên hiệu, hôm sau ngày mồng hai tháng 5 (1-6-1802) vua ngự ở điện nhận lễ triều hạ, đặt niên hiệu Gia Long, ban lệnh đại xa khắp nước. Sau đó cho dựng Thái miếu ở bên trái Hoàng thành.
Qua tháng 6 ngày đưa quân ra Bắc tiểu trừ quân địch. Đến ngày 21 tháng 6 xa giá tiến vào Thăng Long thực hiện việc thống nhất sơn hà (7). Sau đó ngài ban dụ cho các cựu thần nhà Lê cùng kẻ sĩ Bắc Hà đến triều kiến, tùy theo tài năng mà bổ dụng. Ngài còn chu cấp cho những người trung nghĩa ở miền Bắc đã bỏ mình. Ngài đến viếng miếu thờ vua Lê Thái Tổ, sắc phong cho con cháu nhà Lê và họ Trịnh, cấp cho tự điền và mộ phu để lo việc thờ tự tổ tiên. Đến tháng 10 ngài trở về Thanh Hóa yết kiến lăng miếu ở Thiên Tôn (8) ngày 26 trở về Kinh bái yết Thái miếu.
Tháng 11 năm Nhâm tuất (1802) ngài làm lễ tế trời đất, yết Thái miếu hiến phu và xử trị vua quan Tây Sơn (9).
Tháng giêng năm Giáp tý (1804) ngài làm lễ nhận tuyên phong của nhà Thanh, qua tháng 2 đổi quốc hiệu là Việt Nam và mãi đến năm Bính dần (1806) ngài mới làm lễ lên ngôi Hoàng Đế ở điện Thái Hòa.
Cuối đời Tây Sơn chính sự thối nát, phong tục hủy hoại nên việc cai trị rất khó khăn, mọi việc trong nước đều được ngài sắp đặt từ đầu. Ngài chia nước thành 23 trấn 4 dinh, trấn lại chia thành phủ, huyện, châu và xã. Trong triều thì được phân thành 6 bộ : Lại, Hộ, Binh, Hình, Công, Lễ, lại đặt Đô sát viện để lo việc can gián vua và đàn hặc các quan.
Về việc binh ngài cho giảm bớt quân, đặt phép tuyển chọn quân ở các dinh trấn, cho quân phòng thủ những nơi hiểm yếu trong nước. Về tài chánh thì đặt lại các loại thuế, thể thức miễn giảm thuế. Ngoài ra cho sửa lại hệ thống giao thông, đắp đê điều phòng ngừa thiên tai. Để bài trừ những tệ đoan xã hội ngài cho đặt ra những pháp luật nghiêm minh, sai Nguyễn Văn Thành soạn ra bộ luật gồm 22 quyển 398 điều căn cứ theo luật Hồng Đức va luật nhà Thanh.
Tuy nhờ vũ công mà lấy lại cơ nghiệp, nhưng ngài rõ việc giữ nước cần phải có những quan văn giỏi, cho nên rất chú trọng đến việc học hành. Ngài cho dựng Văn miếu thờ đức Khổng Tử tại Kinh đô và các dinh Trấn, lại đặt Quốc tử giám, mở khoa thi đào tạo kén chọn nhân tài, soạn quốc sử và sách địa dư, sai soạn bộ Cương Mục tiền biên, sai Binh bộ Thượng thư Lê Quang Định nghiên cứu các vùng trong nước từ Lạn Sơn đến Hà Tiên về địa thế, phong tục, thổ sản... để soạn bộ Nhật Thống Địa Dư chí gồm 10 quyển, lại sai tìm những sách sủ đời trước để sửa chữa và soạn quốc sử.
Với tổ tiên ngài lo sửa lại các lăng tẩm (10), đem về Kinh an táng những người thân trong họ đã bỏ mình vì nước, với họ tộc ngài giao cho Phúc Logn trông coi và dụ rằng : "Xưa nay các bậc đế vương đều lấy sự thuận hòa và hậu đãi người trong gia tộc làm trông, nhưng phải có phép tắc ràng buộc mới giữ vẹn được tình thân và cùng chung hưởng phú quý. Trước đây khi vận nước điêu linh các thân tộc phải chịu nhiều nỗi cay đắng. nay ta nhờ ân trạch của liệt Thánh lấy lại nin sông, muốn thân tộc giữ phép tắc để cùng hưởng phúc chung, nhưng gần đây nghe nói có kẻ chiếm đoạt nhà đất của dân, có kẻ say sưa dọa nạt dân, làm nhiều điều phi pháp thực là đáng ghét. Việc trị nước trước hết phải tề gia, xem như họ hàng Tây Sơn cậy thế hung hãn khiến mọi người đều ta thán mà đến bại vọng, gương ấy trước mắt. Nay nên họp lại mà răn dạy không được kiêu ngạo ngang ngược mà mắc tội. Pháp luật thi hành từ gần trước, phải thận trọng".
Việc giao thiệp với các nước ngơài ngài lấy chủ trương hòa làm chính. Sau khi thống nhất, ngài cho người sang cầu phong ở Trung Hoa và chịu việc triều cống. Với Xiêm La thì cho giảng hòa để đưa Nặc Ông Chân về cai trị Chân Lạp. Với Tây phương và nhất là người Pháp, tuy có nhiều người giúp đỡ ngài trong lúc còn trong cảnh gian truân và vẫn còn nhận chức tại triểu đình, ngài tránh không muốn cho họ xâm lấn vào quyền hạn của mình. Ngài vẫn để cho tàu của Pháp ghé bến Đà Nẵng để buôn bán. Nhờ sự ngoại giao khéo léo và không biệt đãi một nước nào nên rất được lòng các lân bang và các nước Tây phương.
1.4 Thời kỳ cuối đời
Năm Giáp tuất (1814) ngài cho xây lăng Thiên Thụ ở làng Định Môn (Hương Thủy, Thừa Thiên). Năm Bính tý (1816) ngài được 55 tuổi cho ban dụ về việc lập Thái Tử và cho lập Hoàng tử thứ tư Nguyễn Phúc Đảm làm Thái Tử, chế áo mũ và ban kim sách, kim bửu. ngày 11 tháng chạp năm Kỷ mão (1819) ngài đau nặng cho triệu Thái tử, các thân công cùng đại thần vào nhận di chiếu. Ngày 19 tháng chạp (3-2-1820) giờ Tị ngài băng thọ 58 tuổi.
*
* *
Ngài là người khôn ngoan có tài trí, rất giỏi việc binh, mang đức tính của người khai sán cơ nghiệp. Trong 25 năm trời chống nhau với địch, phiêu giạt chân trời góc biển, biết bao phen hoạn nạn vẫn không làm nản lòng, một niềm lo khôi phục cơ nghiệp của liệt thánh.
Ngài biết chọn người để dùng, đối đãi với tướng sĩ một lòng chân thành khiến hào kiệt các nơi quy về và một lòng giúp đỡ, ngài biết khích lệ các tướng sĩ nên có những người hy sinh trong việc khôi phục cơ nghiệp (11). Ngay những người Tây phương tuy cũng vì quyền lợi riêng của họ, nhưng hết lòng phò tá, nhu cha Bá Đa Lộc (12) quá tin thân để ngài gởi gắm con côi, cha lại còn bỏ tiền ra mua khí giới cùng tàu thuyền đẻ giúp việc khôi phục. Người trong nước một lòng mong ngóng, trông ngài thắng lợi để có cuộc sống thanh bình.
Ngài là người có óc tiến bộ, biết tổ chức quân đội theo Tây phương, xây Kinh thành theo những kiến trúc mới, đổi mới việc truyền giáo của các giáo sĩ, ngài đã từng nêu ý kiến với giám mục Bá Đa Lộc là cần có sự kết hợp giữa Thiên chúa giáo và phong tục cổ truyền của dân tôc ta để tránh sự va chạm. Trong thời ngài Phật giáo lại được chấn hưng. Sau cơn tàn phá của binh lửa, ngài cho trùng tu rất nhiều chùa chiền trong nước.
Ngài một lòng nghĩ đến tổ tiên, ngay trong những lúc chưa an định đã lập miếu thờ ở Gia Định, rồi sau đó dựng Thái miếu, Triệu miếu khi lấy lại được Kinh đô. Đối với mẹ, ngài rất chí hiếu trong những lúc hoạn nạn vẫn muôn vàn lo lắng. Với vợ thật chí tình, chẳng bao giờ quên được những lúc cùng trải bao gian khổ và vì thế đã đưa Thừa Thiên Cao Hoàng Hậu từ bậc Phi tiến đến Vương Hậu rồi Hoàng Hậu. Ngài một lòng yêu thương con cháu nhưng rất nghiêm khắc, như rất thương Hoàng Tử Cảnh vì có nhiều công trong buổi dựng nước, mến Thiệu Hóa quận vương vì tính hiền từ thận trọng, khen thưởng Thọ Xuân vương vì hiếu học nhưng rất quở trách Định Viễn quận vương lúc ham chơi. Ngoài ra ngài cho thu thập các gia phả liên quan đến dòng họ, vì vậy các cho họ Nguyễn khắp nơi gởi gia phả về nhận họ hàng. Các ngọc phả được dâng lên như "Hoàng Triều tông Đồ", "Hoàng Gia Phả Hệ", "Hoàng Triều Ngọc Phả" v.v...
Người ta thường bảo ngài khắc nghiệt đối với công thần, đặt luật lệ với dân quá hà khắc, nhưng thử hỏi trong giai đoạn trung hưng lòng người ly tán, muốn lập kỷ cương, xếp việc cai trị mang lại an vui ấm no cho dân, nếu phép tắc không rõ ràng, thưởng phạt không nghiêm minh thì làm sao giữ được nước. Ngài đã nhìn xa thấy rộng khi lập Hoàng tử thứ tư lên kế vị, vì hiểu việc dựng nước đã khó nhưng việc giữ nước lại càng khó. Bởi thế không những ngài khôi phịc được nghiệp cũ, thống nhất đất nước mà còn sửa sang được mọi việc khiến nước ta trở thành một cường quốc trong vùng vào thời bấy giờ. Công nghiệp của ngài quả thật lớn lao.
2. - LĂNG, MIẾU THỜ VÀ CÁC TƯỚC HIỆU ĐƯỢC TRUY TÔN
Tháng 3 năm Canh thìn (1820), Thánh Tổ Nhân Hoàng Đế dâng tông thụy là Thế Tổ Khai Thiên Hoằng Đạo Lập Kỷ Thùy Thống Thần Văn Thánh Vũ Tuấn Đức Long Công Chí Nhân Đại hiếu Cao Hoàng Đế. Qua tháng 4 an táng ngài ở lăng Thiên Thụ.
Năm Nhâm ngọ (1822) vua Minh Mệnh cho rước thần chủ về thờ ở điện Hoàng Nhân; dựng Thế miếu và thờ ngài ở gian chính giữa.
Ngoài ra ngài còn được thờ ở điện Minh Thành tại lăng Thiên Thụ, điện Phụng Tiên ở trong cung.
(1) Đức Thế Tổ lúc nhỏ vốn có tên Chủng sau đức Hưng Tổ chọn một chữ trong bộ Nhật là để đặt tên cho ngài, gồm bên traí là chữ Nhật bên phải là chữ Anh (theo Sử Quốc Triều Chính Biên Toát Yếu), bản dịch Đại Nam Thực Lục Chính Biên của Viện Sử học Hà Nội thì chép bên trái chữ Nhật bên phải chữ Ương Nguyên hai chữ trên đều có cùng nghĩa, cùng âm. Theo phiên thiết ở Khang Hy tự điển học là Ánh nhưng âm Anh nên ngày trước đọc là Anh. Vì thế trong dòng họ đều kiêng và đọc trại chữ Anh thành Yên,anh em thì đọc thành yên em. Khi đức Duệ Tông nuôi ngài ở trong cung lại đặt tên là Noãn và sau lấy tên này làm tên chính. Các sách sử triều Nguyễn đều ghi tên húy này đầu tiên.
(2) Sách Đại Nam Thực Lục Chính Biên chép ngài chạy về Côn Lôn rồi qua Phú Quốc, Tây Sơn đem ghe thuyền đến vây Côn Lôn đến ba vòng, theo Maybon trong Histoire moderne du pays d'Annam thì đức Thế Tổ lúc bị Tây Sơn đuổi đánh thế cùng không thể nào chạy xa xuôi nhiều vòng từ Phú Quốc đến Côn Lôn, và quân Tây Sơn cũng không đủ thực lực vây đảo này đến ba vòng. Côn Lôn ở đây có lẽ chỉ đảo Kohrong trong vịnh Xiêm La, là đảo nhỏ ở gần Phú Quốc.
(3) Bá Đa Lộc là phát âm của chữ Pedro tiếng Bồ Đào Nha, chữ này trong tiếng Pháp là Pierre, tên thánh của giáo sĩ Pigneau de Béhaine (tiếng Hán Việt gọi là Bi Nhu). Sau giáo sĩ mất tại Thị Nại và đưa về Gia Định an táng, lăng của giáo sĩ gọi là lăng Cha Cả.
(4) Khi giám mục Bá Đa Lộc đưa hoàng tử Cảnh sang Pháp xin cầu viện, giám mục thay mặt đức Thế Tổ ký với De Montmorin Thượng Thư Bộ Ngoại giao Pháp thay Pháp hoàng một hòa ước gọi là Hòa ước Versailles gồm 10 điều khoản vào ngày 28-11-1787. Nhưng đến năm 1788 Tổng chỉ huy quân đội Pháp ở Ấn Độ được toàn quyền giúp Thế Tổ, đã trì hoãn không đưa quân giúp và gởi ý kiến về nước. Qua tháng 10 năm 1789 Tham Chính viện ở Pháp (Conseil d'Etat) bác đề nghị thi hành hiệp ước. Về sau khi đức Thế Tổ thu phục được đàng trong có viết thư để ngày 17 tháng chạp năm Cảnh Hưng thứ 50 (21-1-1791) gửi cho Pháp hoàng, đại ý cảm ơn và nói hiện đã thu phục được một phần giang sơn không cần cứu viện của Pháp nữa.
(5) Người trong nước trông ngóng quân của ngài từ Gia Định ra đánh Tây Sơn nên thời bấy giờ có câu ca dao còn truyền tụng đến giờ:
Lấy trời cho cả gió nồm,
Để cho chúa Nguyễn kéo buồn thẳng ra.
(6) Trong bài biểu Vũ Tĩnh cho người lén đưa ra khỏi thành dâng lên cho Thế Tổ có viết : "Tưởng giỏi, binh mạnh của Ngụy Tây Sơn đều ở tại đây. Phú Xuân hiện là thành trống không. Thực hiện kế này giống như lấy ngói đổi vàng. Chiếm được Phú Xuân mà đổi lấy một mạng của thần thì thần cho là quá đủ".
(7) Khi Thế Tổ tiến đánh Thăng Long, vua Tây Sơn là Nguyễn Quang Toản cùng với các em là Quang Thùy, Quang Duy, Quang Thiệu, vượt sông Nhị Hà đến Xương Giang trú trong chùa Thọ Xương (thuộc Bắc Ninh), dân chúgn tràn đến bắt. Quang Thùy thắt cổ chế, còn Quang Toản, Quang Duy và Quang Thiệu bị bắt bỏ cũi đem nộp tại thành Thăng Long. Quân Tây Sơn bấy giờ hoàn toàn tan rã.
(8) tức núi Triệu Tường có lăng đức Triệu Tổ ở đó (thuộc huyện Tống Sơn, Thanh Hóa).
(9) hiến phu : hiến là dân lên, phu là tù binh, tức dâng lên những tù binh đả bắt được. Vua quan Tây Sơn đều bị giết vào tháng 11 này. Nhà Tây Sơn kể từ Nguyễn Huệ lên ngôi vua đến giờ được 14 năm.
(10) Trong Đại Nam Liệt Truyện chép về Nguyễn Huệ (vua Quang Trung) có ghi. "Huệ tàn ngược vô đạo, sơ cứ đô thành giả, Liệt thánh chư tôn giai phạm chi" (Huệ tàn bạo vô cùng, lúc mới chiếm cứ Kinh đô xâm phạm tất cả các lăng của Liệt thánh).
Tất cả các lăng tẩm từ đức Thái Tổ đến đức Thế Tông đều bị phá hoại. Riêng về lăng của đức Hưng Tổ vào năm Canh tuất (1790) quân Tây Sơn khai quật hài cốt đổ xuống sông trước mặt tức sông Hương. Theo truyền thuyết sau khi thua đức Thế Tổ nhiều trận, Tây Sơn cho rằng nhà Nguyễn Văn Ngữ đào lăng Hưng Tổ đổ xuống sông.
Trong Đại Nam Liệt Truyện tiền biên, trong phần chép về Hoàng Nữ Ngọc Tuyền (con đức Thế Tông) có chép : "... gặp lúc giặc Tây Sơn vô đạo phạm lăng tẩm các Liệt thánh, bà mật lệnh cho con rể là Nguyễn Đức Duệ với lão ni thân tín đến các xã Định Môn, Kim Ngọc, Cư Chính ngầm khiến nhân dân tùy nghi bảo vệ, cho nên có người ở xã Cư Chính là Nguyễn Ngọc Huyên chôn dấu Cơ thánh lăng ở nơi an ổn". Điều trên chứng tỏ các lăng đều bị đào bới. Khi tu sửa các lăng, đức Thế Tổ cho an táng ở tại nơi cũ. Nhưng di tích cũ chẳng còn lại một gì. Ngay các lăng của Hoàng Tử, Công Chúa từ đời Thái Tổ đến Hưng Tổ cũng bị phá hủy.
Trong sử nhà Nguyễn dùng những chữ nhẹ nhàng như "phạm", "xâm phạm" để chỉ hành động của Tây Sơn vì là phép kỵ húy trong việc dùng chữ trước các lăng của Liệt thánh.
(11) Theo giúp đức Thế Tổ khôi phục lại cơ nghiệp có rất nhiều người tài giỏi như Vũ Tính, Chu Văn Tiếp, Vũ Di Nguy, Nguyễn Văn Nhân, Nguyễn Hoàng Đức, Nguyễn Văn Trương, Nguyễn Văn Thành, Lê Văn Duyệt, Ngô Tùng Chu ... Ngay những tướng Tây Sơn về hàng cũng hết sức phò tá như Lê Chất, Ngô Văn Sở ...
(12) Ngoài giám mục Bá Đa Lộc còn rất nhiều người Pháp theo giúp đức Thế Tổ trong việc khôi phục như Oliver de Puymane (Ông Tín), Phillipe Vannier (Ông Chấn), Jean Marie Dayot (Ông Trí), De Forcant (Ông Lăng), Laurent Bariay (ông Mân)...
(13) tức Hiếu Khang Hoàng Hậu mẹ đức Thế Tổ.
(14) Về sau khi định yên đất nước, bà đem dật vàng dân lên Thế Tổ, Thế Tổ noi : "Dật vàng làm tin còn, tất trời giúp cho ta không nên quên lúc gian nan, cần giữ lại cho con cháu cùng biết". Sau bà đem giao cho Thánh Tổ. Thánh Tổ cho khắc trên dật vàng các chữ "Thế Tổ Đế Hậu Quí mão bá thiên thời tin vật" (của làm tin của Thế Tổ Đế và Hậu khi bôn ba năm Quí mão), rồi cho đem thờ ở điện Phụng Tiên.
(15) Lúc hoàng tử Nguyễn Phúc Đảm (Thánh Tổ) được 3 tuổi, Thế Tổ khiến bà nuôi làm con, bà đòi phải làm giấy. Thế Tổ khiến Lê Văn Duyệt viết một tờ giấy ban cho bà, từ đấy hoàng tử Đảm vào Đại Nội hầu cận làm con của bà. Khi bà mất quần thần nhiều người bàn để cho Hoàng tôn Đán (Mỹ Đường) con của Hoàng tử Cảnh làm chủ tế, nhưng Thế Tổ bảo : "Hoàng tử tử là con của Hậu có khế hẳn hoi thì phải đứng làm chủ tế. Việc quốc gia đại sự đâu có thể theo lê mọi nhà mà làm. Nguyễn Văn Thành lại cho là khó xưng hô trong chức văn . Thế Tổ bảo : 'con theo lệnh cha tế mẹ là danh chính ngôn thuận, có gì phải bàn'
(16) Lăng này khi xây Thế Tổ dựa theo phép cổ, hợp táng cả Đế và Hậu.
(17) Quan thư là tên của một thiên trong Kinh thi vịnh về đức của bậc Hậu phi.
(18) Tu Tề Trị Bình là tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ của sách Đại Học, dùng để chỉ công việc của Thế Tổ.
(19) Ngũ đại đồng đường là năm đời cùng sống trong một nhà. Đây là lúc An Phong Quận vương Hồn Bảo con của đức Hiến Tổ sinh được con trai là Ủng Đạo. Tính từ Bà đến Ủng Đạo là 5 đời.
(20) Lăng Thiên Thụ hữu nằm bên phải của lăng Thiên Thụ.
(21) Ninh lăng là lễ an táng nhà vua, ở đây chỉ lễ an táng Thế Tổ Cao Hoàng Đế.
(22) Chiêu Liệt Hoàng Đế tức Lưu Bị đời Tam Quốc bên Trung Hoa, Lưu Bị được Gia Cát Vũ Hầu Khổng Minh phò tá như cá gặp nước.
(23) Trích văn tôn thụy bà vào năm Thiệu Trị thứ 6 (1846).
(24) Triển Thân từ ở Vân Dương (Hương Thủy, Thừa Thiên). Nhà thờ này gồm hai phần, phần trước gọi là Tiền từ gồm 9 gian xây năm Giáp tuất (1814). Phần sau gọi là Hậu từ gồm 7 gian 2 chái xây năm Nhâm thìn (1832). Tiền từ thờ các vị hoàng tử mất sớm, hậu từ thờ các vị hoàng nữ mất sớm.
(25) Thân Huân từ ở Tân An (Hương Thủy, Thừa Thiên) xây dựng năm Quý mão (1843) gồm 5 gian 2 chái. Ban đầu thờ Hải Quận Vương, Thông Hóa Quận Vương, Thuận An Công. Từ năm Canh tuất (1850) đem Tương Dương Quận Vương và An Biên Quận Vương vào thờ chung và đổi tên là Thân Huân từ.
(26) Tức đền thờ Thân Huân ở chú (25).
(27) Chỉ người đàn bà góa.
(28) Cách gọi theo Trung Hoa. Đời nhà Hán, chị và em gái của vua gọi là Trưởng Công Chúa. Đời nhà Đường, cô của vua gọi là Thái Trưởng Công Chúa.
(29) Tống Phúc Hạp là tướng dưới triều Thế Tông Hoàng Đế, giữ Long Hồ, tính khảng khái, có tài thao lược, xem việc đánh giặc là trách nhiệm của mình. Khi mất mọi người đều thương xót, bỏ cày, bỏ buôn bán 3 ngày. Đầu đời Minh Mệnh ông được phong là Trung Đẳng thần.
(30) Miếu có tên là Tuyên Mục nhị Vương từ (có nghĩa nhà thờ của 2 Vương Mục va Tuyên) ở Long hồ, (Hương Trà, Thừa Thiên), xây dựng năm Giáp tý (1804) gồm chính đường và tiền đường thờ Tuyên Vương (Nguyễn Phúc Hạo) và Mục Vương (Nguyễn Phúc Dương).
Trích Nguyễn Phúc Tộc Phả Hệ
Theo Hoàng tộc Lược Biên
Vua Gia Long sanh năm 1762, mất năm 1819. Sau khi đã bình định nước Việt Nam, Ngài tức Hoàng Đế vị năm 1802 và khai sáng ra Nguyễn Triều.
Lăng của Ngài là lăng Diên Thọ, không mấy người không biết, thuộc địa phận làng Định Môn, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên. Lăng Bà Thừa Thiên Cao Hoàng Hậu và Bà Thuận Thiên Cao Hoàng Hậu, nguyên phối và đệ nhị phối cùa Ngài cũng đều táng tại vùng ấy cả.
Ngài và hai Bà đều thờ tại Chánh án Thế Miếu và tại Chánh án điện Phụng Tiên ở Kinh Thành Nội.
Hệ Nhứt Chánh gồm có 9 Phòng, tổng cộng về nam được 380 người (năm 1943).
(Trích Hoàng Tộc Lược Biên)
Đức Thế Tổ Cao Hoàng Đế là vị Vua đầu tiên và là người đã lập ra triều đại nhà Nguyễn, sau khi thống nhất sơn hà, đặt quốc hiệu Việt Nam. Ngài đã sáng lập Hệ Nhất Chánh Nguyễn Phước.
Ngài là Hoàng Tử thứ 3 của Ngài Nguyễn Phúc Luân. lúc còn tuổi thơ ấu, Ngài rất được Chúa Nguyễn Phúc Thuần thương yêu, nên được ở trong học đường Vương Phủ. Vào tuổi thiếu niên Ngài đã tỏ ra là người tài trí, khôn ngoan với đức tính khoan hoà, đầy nghị lực của đấng lập nghiệp lớn.
Năm 1777 khi Thái Thượng Vương Nguyễn Phúc Thuần, cùng với cháu là Hoàng Thân Nguyễn Phúc Đồng (con Ngài Nguyễn Phúc Luân) và Tống Phước Thuận, Nguyễn Doanh Khoảng...bị Nguyễn Huệ bắt tại Long Xuyên và đem về Sài Gòn giết, thì chỉ có một mình Hoàng Thân Nguyễn Phúc Ánh thoát nạn. Ngài chạy ra đảo Thổ Châu (Hà Tiên) và từ đó mọi quyền hành quốc sự do Ngài thống lĩnh.
Năm 1778 (16 tuổi) Ngài được ba quân suy tôn lên làm nguyên soái nhiếp chính quốc và khởi binh chiếm lại Gia Định.
Từ đó suốt 24 năm, được sự ủng hộ của dân nghĩa hiệp vùng đất mới khai hoá từ Gia Định đến Phú Quốc, từ Cà Mau đến Hà Tiên, Ngài đã vượt qua mọi gian nguy, bao phen vào sanh ra tử, kiên cường chống lại quân Tây Sơn. Cuối cùng Ngài khôi phục lại xứ Đàng Trong của các Tiên Chúa. Năm 1801 tiến quân ra Bắc Hà, đánh bại hoàn toàn nhà Tây Sơn; năm 1802 lập nên một nước Việt Nam thống nhất từ Nam chí Bắc, từ mũi Cà Mau đến Ải Nam Quan như ngày nay.(26)
Sau khi lên ngôi Hoàng Đế năm 1802, Đức Thế Tổ Cao Hoàng Đế đã xếp đặt lại cơ cấu điều hành quốc gia, cho soạn bộ luật Gia Long, thành lập Quốc Tử Giám, ấn định học hiệu và các loại thuế. Công cuộc cai tri đất nước được thuận lợi sau khi thực hiện các việc lớn như: Tổ chức triều đình gồm có lục bộ và Đô Sát Viện; phân chia khu vực hành chánh (Tổng trấn, Trấn, Phủ, Huyện, Xã); ấn định quyền hạn chức chương, lương bổng, văn võ giai các cấp, tu soạn sách sử, văn truyện, địa lý, lập dinh Điền Sứ trông coi việc khai khẩn ruộng đất.
Trong dòng họ, Ngài ban dụ Quốc Thúc Tôn Thất Thăng lo viêc gia huấn trong thân tộc, làm phổ hệ Tôn Thất, đặt chức Tôn Nhơn Lệnh, Tôn Nhơn Phủ quản trị quốc tộc.
Sau 18 năm ở ngôi, Đức Thế Tổ Cao Hoàng Đế băng hà năm 1820. Miếu hiệu Thế Tổ Cao Hoàng Đế (Gia Long). Lăng của Ngài hiệu Thiên Thọ, tại làng Định Môn, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên.
Tôn thờ Ngài tại Chánh Án Miếu ở Thế Miếu trong Đại Nội kinh thành Huế.
Hệ Nhất Chánh có 9 phòng.
Hoàng Hậu của Đức Thế Tổ Cao Hoàng Đế:
- Thừa Thiên Cao Hoàng Hậu, huý Tống Thị, con Ngài Thái Bảo Khuông Quận Công, huý Tống Phước Khuông và Bà Quốc Phu Nhân Lê Thị.
Hoàng Hậu băng hà năm 1814, hiệp táng tại lăng Thiên Thọ, làng Định Môn, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên.
- Thuận Thiên Cao Hoàng Hậu, huý Trần Thị, con Ngài Lễ Bộ Tham Tri Trần Hưng Đạt.
Hoàng Hậu băng hà năm 1846. Lăng của Hoàng Hậu là Thiên Thọ Hữu, trong khu vực Thiên Thọ Lăng.
Hai Bà đều tôn thờ tại Án Chánh Miếu ở Thế Miếu trong Đại Nội kinh thành Huế.
Đức Thế Tổ Cao Hoàng Đế (Gia Long) có 13 Hoàng Tử và 18 Công Chúa.
Trích Hoàng Tộc Lược biên
13 Hoàng Tử
1- Đông Cung Nguyên Soái Tăng Duệ Hoàng Thái Tử
2- Thuận An Công
3- Hoàng Tử Tuấn
4- Thánh Tổ Nhơn Hoàng Đế (Vua Minh Mạng) (2)
5- Kiến An Vương
6- Định Viễn Quận Vương
7- Diên Khánh Vương
8- Điện Bàn Công
9- Thiệu Hoá Quận Vương
10- Quản Oai Công
11- Thường Tín Quận Vương
12- An Khánh Quận Vương
13- Từ Sơn Công
Công Nữ:
1 Ngọc Châu
2 Ngọc Quỳnh
3 Ngọc Anh
4 Ngọc Chân
5 Ngọc Xuyên
6 Ngọc Ngoan
7 Ngọc Nga
8 Ngọc Cửu
9 Ngọc Đồng
10 Ngọc Ngôn
11 Ngọc Nhân
12 Ngọc Khoa
13 Ngọc Cơ
14 Ngọc Thiều
15 Ngọc Lý
16 Ngọc Thành
17 Ngọc Bích
18 Ngọc Trinh