GIA

PHẢ

TỘC

HẬU
DUỆ
VUA
MINH
MẠNG
Gia phả  Phả ký  Thủy tổ  Phả hệ phả đồ  Tộc Ước  Hương hỏa  Hình ảnh 
Chi tiết gia đình
Là con của: ƯNG CHÂN Vua DỤC ĐỨC
Đời thứ: 15
Người trong gia đình
Tên BỬU LÂN Vua THÀNH THÁI (Nam) user/dinhlong2000/imgmans/picman51154160
Tên thường
Tên Tự
Ngày sinh 1879
Thụy hiệu  
Ngày mất 24/3/1954  
Nơi an táng thành An Lăng (lăng Đức Dục Đức) tại xã An Cựu, huyện Hương Thuỷ, tỉnh Thừa Thiên.  
Sự nghiệp, công đức, ghi chú

VUA THÀNH THÁI

Huý danh: Ngài NPC Bửu Lân (14/3/1879 - 9/3/1955)

Thọ 76 tuổi. Trị vì 18 năm (1889 - 1907)

Vua Thành Thái, con Ngài Dục Đức. Ngài lên ngôi ngày 1/2/1889 có 2 vị phụ chính là Thái Tử Thiếu Phó, Đông Các Đại Học Sĩ, kiêm quản Quốc Tử Giám Trương Quang Đàm và Lại Bộ Thượng Thư Nguyễn Trọng Hợp.

Tuy lên ngôi còn tuổi thiếu niên (10 tuổi), nhưng Ngài đã có tính khí cương nghị và đầy lòng yêu nước. Vì vậy, dù ở ngôi Vua không bao giờ Ngài lấy làm vui sướng, mà luôn luôn suy tư với vận nước. Ngài đã tự giả dạng mất trí, che mắt thực dân Pháp và các hạng mãi quốc cầu vinh, để được tiếp cận dân chúng và các sĩ phu yêu nước mưu đồ đánh đuổi thực dân Pháp giành độc lập cho xứ sở.

Lòng ái quốc và mưu đồ cứu nước cứu dân của Ngài không thoát khỏi sự ngờ vực, theo dõi của thực dân nên Ngài bị Pháp bắt năm 1907 đem vào Vũng Tàu (Bà Rịa) quản thúc một thời gian, rồi đưa sang an trí tại đảo Réunion của Châu Phi thuộc địa Pháp.

Năm 1947, Ngài được nghinh đón trở về nước và sinh sống bình dị tại ngôi biệt thự ở đượng Thành Thái, quận 5 đô thành Sài Gòn. Năm 1954 Ngài mất và được rước về yên nghỉ tại khuôn viên thành An Lăng (lăng Đức Dục Đức) tại xã An Cựu, huyện Hương Thuỷ, tỉnh Thừa Thiên.

Vua Thành Thái có 16 Hoàng Tử và nhiều Công Chúa (33).

Hoàng Tử:

1 Vĩnh Diệm 2 Vĩnh Linh
3 Vĩnh Trân 4 Vĩnh Uyển
5 Vĩnh San, sau này là Vua Duy Tân. 6 Vĩnh Ngoạn
7 Vĩnh Kỳ 8 Vĩnh Chương
9 Vĩnh Thâm 10 Vĩnh Quê
11 Vĩnh Giác 12 Vĩnh Kha
13 Vĩnh Vũ 14 Vĩnh Ngọc
15 Vĩnh Tiến 16 Vĩnh Cầu
17 Vĩnh Giữ

Công Chúa:

Có nhiều Công Chúa, trong đó có 3 người thường được biết.

1 Lương Trinh
2 Lương Linh (Mệ Sen)
3 Lương Cầm

(Trích HaNoi. Vnn.VN)

THÀNH THÁI (BỬU LÂN) 1889-1907

Vua Thành Thái chính tên là Nguyễn Phước Bửu Lân, là con vua Dục Đức và bà Phạm Thị Điều, sinh ngày 14-3-1879. Vua Dục Đức chết, cậu bé mới có bốn tuổi, theo mẹ về quê ngoại ở Phú Lương (ngoại thành Huế) . Đến nǎm được chín tuổi, vì ông ngoại là Phạm Đình Bình (làm quan Thượng thư bộ Hộ) bị vua Đồng Khánh bắt giam rồi bỏ cho chết, Bửu Lân lại phải cùng mẹ lên kinh đô, chịu sự quản thúc, sống trong cảnh thiếu thốn.

Khi vua Đồng Khánh mất, triều đình rút kinh nghiệm các lần lập vua trước đấy, phải sang xin ý kiến của viên khâm sứ người Pháp, vì con trai của Đồng Khánh là Bửu Đảo mới có ba tuổi không nối ngôi cha được. tòa khâm sứ lúc này có ông Diệp Vǎn Cương đang làm thông ngôn. Diệp Vǎn Cương lấy bà cô ruột của Bửu Lân, và cũng có cảm tình thương hại vua Dục Đức, nên cố tìm cách cho cháu mình lên ngôi. Ông dịch cho khâm sứ nghe hoàn toàn khác với ý của Viện cơ mật. Viện cơ mật hỏi quan khâm sứ muốn chọn ai, ông lại dịch thành:
- Viện cơ mật và các bà Thái hậu muốn chọn hoàng từ Bửu Lân lên ngôi, quan khâm sứ có ý kiến thế nào .
Viên khâm sứ trả lời:
- Nếu các ngài đã đồng ý thì tôi xin tán thành.
Ông Cương lại dịch khác đi:
Theo ý tôi thì các quan nên chọn hoàng tử Bửu Lân là hợp.

Như thế, Bửu Lân được lên ngai vàng. Bà Phạm Thị Điều nghĩ tới cảnh của chồng xưa, và thảm kịch bốn tháng ba vua trước đây nên khóc lóc, không đồng ý, phải khuyên giải mãi mới ưng thuận. Lúc bấy giờ, hoàng tử Bửu Lân mới hơn mười tuổi, nhưng vóc người đã lớn, có vẻ lanh lợi, thông minh. Ông cầm đầu vương triều được 16 nǎm, dài hơn tất cả các vua triều Nguyễn, từ sau khi Tự Đức mất (trừ Bảo Đại). Ngày mồng 1 Tết, lúc vua Thành Thái được tôn lên Tân quân thì viên Tổng trú sứ Rây-na đi với viên chánh vǎn phòng Bu-lô-sơ (Boulloche) qua Đại nội tin cho vua biết tòa Khâm sứ đã công nhận hoàng tử là vua nước Việt Nam.
Vua Thành Thái ngồi trên ngai, chung quanh có hoàng thân, vǎn võ đình thần đứng chầu. Lúc các viên chức Pháp đến, vua ra khỏi điện, bước xuống gần để nghênh tiếp.

Vua mặc áo xanh, bịt khǎn đóng. Một viên thái giám cầm quạt lông theo hầu che nắng. Vua bắt tay Rây-na và Bu-lô-sơ. Rây-na nói mấy lời chúc tụng, mong cuộc bang giao giữa hai nước được bền chặt. Vua ngỏ lời cám ơn, chỉ ghế mời khách ngồi dùng trà, dáng điệu ra vẻ người lớn. Cuộc đàm thoại diễn ra rất ngắn ngủi.

Mồng 2 Tết mới là ngày chính thức làm lễ đǎng quang. Bộ Lễ soạn thảo nghi thức, tức là chương trình buổi lễ. Tại điện Thái Hòa, đặt 2 cái hoàng án (Bàn sơn vàng) phía nam bửu tọa đặt 2 châu án (bàn sơn đỏ) hai chái và trước thềm đặt nhạc huyền, nhạc khí (thứ âm nhạc treo lên để đánh). Đầu canh nǎm sau khi nghe đánh 3 hồi trống, trên kỳ đài treo cờ lớn và các loại cờ khánh hỷ. Trên các cửa thành cũng vậy. Tại sân điện Thái Hòa ở ngoài cửa Ngọ Môn, phía nam cầu Kim Thủy và trước điện Cần Chánh đều có voi ngựa trang sức hoa lệ, quân lính cầm binh khí, cờ lọng, đứng dàn hầu. Giữa cửa Ngọ Môn, phía trước, đặt long đình. 

Các quan sắp các thứ nói trên vào long đình, đem ra điện Thái Hòa, đặt lên châu án và hoàng án. Trước giờ hành lễ, hoàng thân, vǎn võ đình thần mặc triều phục, các hữu quan mặc phẩm phục, theo phẩm trật đứng trên điện và trong sân điện. Những người trong hoàng tộc, các giám sinh và học sinh sắp hàng tại Kim thủy kiều ở cửa Ngọ Môn. Các quan Phủ Doãn và các huyện quan hướng dẫn kỳ lão, thân hào sắp hàng trước Phủ Vǎn Lâu.

Dưới triều Thành Thái khác các triều trước ở chỗ lễ đǎng quang không có Truyền quốc bửu tỷ ấn ngọc, lúc rời khỏi kinh thành Huế, vua Hàm nghi đã mang theo và đánh mất tại tỉnh Quảng Bình. Cho nên lúc tại vị vua Đồng Khánh đã phải dùng một cái ấn ngọc khác. Ngoài ra, di chiếu cũng không có. Vua Dục Đức hay vua Đồng Khánh không truyền ngôi lại cho vua Thành Thái? Thiếu ấn ngọc, di chiếu, nhưng lại thừa một toán lính Pháp bồng súng đóng ở bên trong cửa Ngọ Môn.

*
* *

Sau khi một viên quan xướng "trung nghiêm ngoại chỉnh" vua Thành Thái đội mũ Cửu long mặc hoàng bào, mang đai ngọc, tay cầm trần quê từ điện Cần Chánh bước lên kiệu, có quan quân theo hầu, ngự ra điện Thái Hòa. Trên lầu Ngọ Môn rung chuông đánh trống cho đến khi vua bước vào điện mới ngừng hẳn.

Mặc dù có một viên thái giám đi trước, hai tay nâng vạt áo lên, nhưng vị vua bé nhỏ vẫn thấy nhọc nhằn trong chiếc hoàng bào đính hạt châu lấp lánh.
Sau khi bắt tay viên Tổng trú sứ và những người tháp tùng, khó khǎn lắm vua mới leo lên mấy tầng cấp để ngồi vào ngui vàng. Một viên quan xông trầm hương ngào ngạt. Bên ngoài 21 tiếng súng lệnh nổ vang lên, báo hiệu khởi sự lễ đǎng quang. Rây-na đọc chúc từ. Vua bước xuống ngai đứng nghe, đoạn đọc đáp từ bằng chữ Hán viết vào một thẻ ngà. Giọng vua sang sảng vang lên giữa mấy gian điện rồng. 
Vua lại ngồi vào ngai. Tuy trời không nóng, nhưng các ông thị vệ đứng hầu sau lưng vẫn nhè nhẹ phẩy chiếc quạt tiểu vũ. Lư trầm khói bốc lên nghi ngút.
Phái đoàn Pháp đứng riêng một bên, các hoàng thân bá quan ra sắp hàng, lạy nǎm lạy đoạn quỳ để nghe đọc kim sách. Một viên quan bưng tráp kim sách dến trao cho viên Tuyên sách: Viên này lấy kim sách ra, lớn tiếng đọc. Quan Tuyên sách đọc xong, vǎn võ đình thần đều đứng dậy, lạy 5 lạy để chúc mừng. Các quan chia ra hai bên vǎn võ đứng chầu. Một quan bộ Lễ ra quỳ xin với hoàng đế dùng ngọc tỷ. Tâu xong viên quan lùi ra, hai viên quan nội các đem ấn và hộp son đến. Một viên quan khác rút trong ống kim phụng đồng lấy bản ân chiếu ra, vua dùng ấn đóng vào ân chiếu. Trước khi buổi lễ chấm dứt, một viên quan bộ Lễ quỳ tâu: "Khánh hạ lễ thành". Phái đoàn Pháp cáo biệt, vua lên kiệu trở về điện Càn Chánh. Lệnh phát chín tiếng.

*
** 

Thành Thái là một ông vua trẻ có nhiều tính cách đặc biệt. Tuy còn nhỏ tuổi, nhưng khi lên ngôi, ông đã có vẻ là một người lớn, có tư thế ung dung, giao thiệp đàng hoàng với quan lại kể cả người Nam, người Pháp. Những ngày đầu tiên, tuy đã là vua song ông vẫn thích chơi bời, nghịch ngợm như những chàng thiếu niên tự do khác. Ông có một số quan phụ chính giúp đỡ như các ông Tuy Lý Vương, Nguyễn Trọng, Trương Quang Đản, thường có lời can ngǎn ông, nhưng không được ông nghe lời. Các bà hậu ở Lưỡng cung rất lo cho ông, đã bắt ông ra ở đảo Bồng Dinh trên hồ Tịnh Tâm và quản thúc ông rất ngặt, để đưa vào khuôn phép. Một thời gian sau, ông mới trở về Đại Nội. Thành Thái là người ham học hỏi. Khác với những ông vua trước đây, ông học chữ Nho, học chữ Pháp và cho cả con cái của mình cùng theo học chữ Pháp nữa. Không nói ra, nhưng rõ ràng ý định của ông là học chữ Pháp để có thể giao tiếp với những người này với tinh thần chống Pháp. Ông còn cắt tóc ngắn, mặc âu phục, học cả lái ca nô, xe hơi, làm quen với vǎn minh phương Tây. Ông để ý đến cả các loại vũ khí, đã giao cho họa sĩ Lê Vǎn Miến (tốt nghiệp trường mỹ thuật Paris) vẽ cho ông các khẩu súng Pháp. Ông làm thơ không nhiều, nhưng có nhiều bài xuất sắc. Ông cũng ham vǎn nghệ, đánh trống tuồng khá thành thạo, có khi lên đóng một vài vai tuồng ở Duyệt Thị Đường. Có thể nói là ông hiểu biết khá toàn diện.

Dưới triều Thành Thái tuy trong cả nước nơi này hay nơi kia còn có những cuộc vận động chống Pháp, nhưng nhìn chung đất nước cũng đã đi vào ổn định, nên đã có nhiều công trình mới được xây dựng, nhất là ở kinh đô Huế. Các bệnh viện, trường Quốc học, chợ Đông Ba, cầu Trường Tiền v.v... đều được xây dựng vào lúc này (cuối thế kỷ 19). Như trường hợp trường Quốc học Huế (1896), chính nhà vua đã gợi ý vấn đề thành lập với Thượng thư Ngô Đình Khả. Chính quyền thực dân Pháp phải đồng ý cho tiến hành những công trình này.

Vua Thành Thái dần dần bộc lộ tinh thần dân tộc rất cao. Ông rất khinh ghét những bọn quan lại xu phụ. Có lần, cầu Long Biên ở Hà Nội (được lấy tên viên toàn quyền Pháp, nên gọ i là cầu Du-me xây dựng xong, Hoàng Cao Khải đưa ra một danh sách xin nhà vua ban thưởng cho những người có công, nhà vua đã cười nhạt mà trả lời: "Ta có biết mặt mũi những đứa nào đâu". Những người Pháp thường xuyên gần gũi không được ông trọng thị lắm. Nhiều viên quan to như Nguyễn Thân đã tiến con gái đến cho vua (con gái ông này là đệ nhất giai phi của Thành Thái) song cũng không được ông trân trọng. Vì vậy họ thường có thành kiến với ông. Vua Thành Thái rất thích đọc những tân thư chữ Hán của Trung Quốc và Nhật Bản. Nhờ đó vua có tinh thần tự cường dân tộc và đầu óc cải cách. Có những tài liệu nói là nhà vua đã toan bí mật sang Trung Quốc, nhưng mới đi đến Thanh Hóa đã bị thực dân Pháp ngǎn chặn. Lại có ý kiến cho rằng ông đã đồng tình giúp đỡ,... tạo điều kiện cho Cường Để xuất dương theo Phan Bội Châu sang Nhật. Những thông tin ấy còn phải xác minh, nhưng đó là cơ sở để người ta tin vào tinh thần chống Pháp của nhà vua.

Ngay trong những giai thoại về cuộc đời gây cảm tưởng về sự phóng đãng của vua Thành Thái, cũng có những cách giải thích về tinh thần kháng Pháp của ông. Người ta nói là ông ham gái đẹp, thường đến vùng Kim Long để tìm mỹ nhân: Đã có câu ca dao không biết là để chế giễu, hay có ngụ ý đề cao:

Kim Long có gái mỹ miều
Trẫm thương, Trẫm nhớ, Trẫm liều, Trẫm đi

Đi đây có nghĩa là đến các nhà có người đẹp. Hoặc ông đến đó theo kiểu vi hành, hoặc ông cho người mang xe đến nhà vào những buổi tối trời để đón các cô con gái này về cung. Nhưng về cung không phải để cho ông thỏa mãn cái thú hành lạc của mình, mà để sung vào đội nữ binh, ngày ngày tập luyện. Ông muốn dùng họ làm đội quân đánh Pháp chǎng? Không rõ, nhưng họ được trang bị những súng kiểu mới, do ông sai đúc theo bản vẽ của họa sĩ Lê Vǎn Miến như ta đã nói trên. Bọn Pháp biết chuyện đã cho những tên quan lại tay sai vào xem xét. Trước tình hình đó, nhà vua lại giả như bị điên, cào cấu các bà cung phi và xé nát các bản vẽ. Lợi dụng cơ hội này, bọn thực dân đã tìm cách phế truất Thành Thái, vì chúng nhận ra đây là một ông vua bất trị. Chúng phao tin nhà vua bị điên, không thể ngồi trên ngai vàng được, ép ông phải thoái vị nhường ngôi cho con vì lý do sức khỏe. Viên Khâm sứ Pháp Lê-véc-cơ còn nói thẳng là đã biết ông có ý đồ chống Pháp, nên không để ông ở ngôi được. Nếu còn muốn tại vị thì ông phải ký vào một tờ giấy xin lỗi, tuyên bố với quốc dân là có âm mưu chống lại nước Pháp, nay phải thành thực hồi tâm. Nhưng ông đã ném tờ tuyên cáo thảo sẵn ấy xuống đất, cười vào mũi Lê-véc-cơ và nói với các quan lại tuỳ tùng:

Muôn dân nô lệ từng đàn
Vui chi bệ ngọc ngai vàng riêng ta
Hỡi ôi! Mất nước tan nhà
Cứu thù quốc sỉ ấy là nợ chung.

Ngày vua Thành Thái phải ra đi là một ngày đau buồn của cả thành phố Huế. Dân chúng kinh thành: "Mỗi nhà một án thư, đốt hương nghi ngút, đặt trước sân, đầu ngõ và mọi người quần áo chỉnh tề tiễn biệt đức vua. Mọi người đều rớm lệ. Họ thương nhớ đức Vua, tự hào về tinh thần dân tộc và ý chí bất khuất của ông. Nhiều người hối hận vì đã hiểu lầm vua Thành Thái. Người ta lầm tưởng ông chỉ là một thanh niên ham chơi, trác táng, cam chịu sống hèn trên chiếc ngai vàng hư vị. Nay thì rõ ràng là ông đã giả vờ sống cuộc đời phóng đãng, có vẻ bê tha để che mắt mọi người, để nuôi chí lớn. Vua bị buộc thoái vị vào nǎm 1907, khi ông mới 29 tuổi.

Ngày 12-9-1907 thực dân Pháp giải ông vào Sài Gòn rồi đưa đi quản thúc tận Cáp-Xanh Giắc-cơ. Con trai ông nối ngôi là vua Duy Tân, vẫn tiếp tục chống Pháp và cũng bị thất bại nǎm 1916. Nǎm ấy, Pháp đày cả hai cha con Thành Thái, Duy Tân sang đảo Rê-uy-ni-ông và ở trên đảo này cho đến nǎm 1947 mới được thả về Sài Gòn. 

Ông mất ngày 20-3-1954, sau chuyến đi thǎm thành phố Huế lần cuối cùng (1953). Ông thọ 75 tuổi làm vua được 16 nǎm, bị đi đày 40 nǎm.


 


Liên quan (chồng, vợ) trong gia đình

Các anh em, dâu rể:
   BỬU CƯƠNG
   BỬU THI
   BỬU MỸ
   BỬU NGA
   BỬU NGHI
   BỬU CÔN
   BỬU CHUÂN
   BỬU THIỆN
   BỬU LIÊM
   BỬU LỘC
   MỸ LƯƠNG
   TÂN PHONG
Con cái:
       VĨnh Diệm
       Vĩnh Linh
       Vĩnh Trân
       Vĩnh Uyển
       VĨNH SAN Vua DUY TÂN
       VĨNH NGOẠN
       VĨNH KỲ
       VĨNH CHƯƠNG
       VĨNH THÂM
       VĨNH QUÊ
       VĨNH GIÁC
       VĨNH KHA
       VĨNH VŨ
       VĨNH NGỌC
       VĨNH TIẾN
       VĨNH CẦU
       LƯƠNG TRINH
       LƯƠNG LINH
       LƯƠNG CẨM
       LƯƠNG THÂM
       VĨNH GIU
Gia Phả; HẬU DUỆ VUA MINH MẠNG
 
     
Toàn bộ thông tin trong gia phả, là thuộc bản quyền của tộc HẬU DUỆ VUA MINH MẠNG.
Mọi sự trích dẫn phải được phép của người quản lý đại diện cho tộc HẬU DUỆ VUA MINH MẠNG
Mọi thiết kế, hình ảnh trong trang web này, là bản quyền của Việt Nam Gia Phả.