GIA

PHẢ

TỘC

Nguyễn
Thái
Gia phả  Phả ký  Thủy tổ  Phả hệ phả đồ  Tộc Ước  Hương hỏa  Hình ảnh 
VIẾT VỀ THUỶ TỔ CỦA DÒNG HỌ

Xuất xứ và phát triển


A Văn Tràng:


1- Một vùng quê văn hiến, địa linh, nhân kiệt:


Văn tràng nằm 2 bên quốc lộ 7. cách Vinh 70km về phía tây và cách thị trấn huyện lỵ Đô Lương 1 km, trước kia gọi Diêm Tràng, một trong những vùng đất văn hiến của tỉnh Nghệ An, đã hình thành cách đây 700 năm . Đó là thời kỳ cực thịnh của Nhà Trần, nước Đại Việt vào khoảng đầu thế kỷ thứ 14, những người đặt chân đầu tiên lên đất Diêm Tràng là dòng họ Bùi Hữu do Cụ tổ Bùi khả Hiền cùng con cháu từ Hà Đông vào đây định cư khai phá làm ăn, đến nay đã trải qua 26 đời. Vào giữa thế kỷ thứ 14 nhiều dòng họ từ các tỉnh châu thổ sông Hồng, Thanh Hoá đã lần lượt vào đây sinh cơ lập nghiệp, đã biến vùng đất khô cằn này thành những cánh đồng phì nhiêu xanh tốt. Xóm làng Văn Tràng xưa rất nên thơ hữu tình, với những mái nhà đơn sơ núp dưới những luỹ tre xanh. Đầu làng, giữa đồng, trên núi, dưới khe có nhiều cây đa cổ thụ trông thật là đẹp. Từ phía nam ta nhìn về phía bắc thấy dãy núi Bạc đầu chạy từ Tây sang Đông, uy nghi hùng vỹ, trông như 'hình nhân bái tướng'. Quốc lộ 7 nối liền Vinh- Xiêng Khoáng chạy xuyên giữa xã đã đem lại cho nơi đây một nền thương mại phát triển. Dòng sông Đào tươi mát đã tưới cho những cánh đồng Văn Tràng và các vùng Diễn- Yên - Quỳnh đảm bảo mùa màng bôị thu.


Đất Diêm tràng có nhiều nho sỹ uyên thâm và võ tướng thao lược do đó Diêm tràng đã được đổi thành Văn Tràng theo tương truyền sau đây: 


Năm Bính ngọ (1786) thời Lê trung Hưng có quan quận công Nguyễn cảnh Thước tổng trấn Kinh bắc về quê chịu tang mẹ, trong lễ tang trọng thể Ngài đặt lên yên thư một bên 3 nén bạc và một bên là 1 thanh gươm, đồng thời quan Trấn nhờ các quan viên chức sắc trong làng cử người đọc điếu văn, ai đọc văn hay sẽ được thưởng 3 nén bạc nhược bằng đọc ngắc ngứ sẽ bị chém đầu. Ai nất đều kinh sợ ví quan Trấn có quyền tiền trảm hậu tấu. Bỗng có 1 chàng trai khôi ngô tuấn tú bước ra xin đọc, anh đọc không những lưu loát mà còn rất xúc động. Đó là anh Thái văn Điều. Rất cảm kích , quan Trấn hỏi:' Tại sao quê hương có nhiều người học giỏi mà lại gọi đất Diêm Tràng' ( Diêm là muối). Sau đó Quận công Nguyễn cảnh Thước về làm thư tấu trình lên triều đình xin đổi tên vùng đất Diêm Tràng thành Văn Tràng.


Đất văn Tràng đã sản sinh  và đào tạo nhiều vị khoa bảng cho đất nước: Cử nhân Lê bá Duệ, Tiến sỹ Thái phượng Minh, Tiến sỹ Nguyễn thái Đệ, Phó bảng Nguyễn Thái Tuân, các cử nhân: Nguyễn sỹ Đắc, Nguyễn thái Thực, Nguyễn thái Du, Lê tam Hoè. Về võ tướng có quận công Thái bá Du và các con cháu của Ngài.


Họ Nguyễn Thái trên đất Văn Tràng:


Trên đất Văn Tràng này, từ lúc vị thuỷ tổ Nguyễn tử Nghị đến đây sinh cơ lập nghiệp vào khoảng năm 1550 đến nay họ ta đã trải qua 18 đời. Theo bản gia phả  đầu tiên của ông Tiến sỹ Nguyễn Thái Đệ, họ ta được ghi chép khá đầy đủ bắt đầu với cụ tổ là Nguyễn tử Nghị , gốc tại thôn An Tứ, xã Diêm Tràng, Tổng Đô Lương, Phủ Anh Sơn, tỉnh Nghệ An. Nhiều đời nghèo khó thất học . Trong làng đương thời có họ Thái Bá, danh vọng, giàu sang có mấy đời làm quận công. Đến đời thứ 3  vị đệ tam thế tổ Nguyễn tử Tĩnh xin làm con nuôi họ Thái Bá với ước mong con cháu khá lên được và lấy tên họ là Thái tử Tĩnh để tỏ làng biết ơn họ Thái. Về sau con cháu khá lên được . Đến đời thứ 10 ông Thái tử Đệ đi thi hương vào tháng 7 năm Mậu Tý(1828), vì chữ Thái Tử phạm huý nên ông không được dự thi , ngày 15/10/1828 ông liền làm đơn xin đổi họ thành họ Nguyễn Thái. Sau đó ông được dự thi và đã đậu tiến sỹ.


Qua bao triều đại và qua bao  nhiêu thăng trầm của lịch sử dân tộc, con cháu họ ta đời đời nối tiếp truyền thống cha ông để lại: lấy việc học làm gốc, giữ đức nhân nghĩa làm trọng, nhờ đó thế hệ nào cũng có người đạt được những học vị cao, được giao phó gánh vác việc dân, việc nước, thành đạt trên thương trường.v.vv.. và được sự kính trọng của nhiều người.


Đời thứ 9: vị tiên Tổ Thái tử Thanh được Vua Gia Long phong chức Tri binh vụ bạ tả doanh nhiệm vụ vệ . ông đã đựơc phong 4 đạo sắc dưới các triều vua Gia Long và Minh Mạng.


Đời thứ 10: Ông Tiến sỹ Nguyễn thái Đệ ngoài việc làm Chủ sự tri phủ Phước Tuy, Hàn lâm viện học sỹ, ông còn có công lớn trong việc hướng dẫn nhân dân Văn Tràng khai phá đồi trọc để trồng chè xanh, giúp cho đời sống nhân dân thêm trù phú. ghi nhớ công ơn , nhân dân đã lập đền thờ Ông ở vùng đồi xã Văn Sơn, gọi là đền quan lớn. Trong phong trào tiêu thổ kháng chiến đền thờ này đã bị triệt phá và việc thờ ông đã được sát nhập vào các đền thờ khác.


Đời thứ 11: Phó bảng Nguyễn Thái Tuân, hiệu Tứ Trì có công xây dựng nhà thờ Thượng Đường họ Nguyễn Thái đại tôn vào năm Đinh Hợi (1887) Ông là nghĩa sỹ Cần Vương, bị Pháp bắt và dụ dỗ đầu hàng.  Không chịu khuất phục Ông đã uống thuốc độc tự tử trong nhà lao Vinh Năm 1892 để bảo toàn bí mật công tác. Để nêu cao tinh thần yêu nước của Ông, năm 1946 Chính quyền địa phương cho thành lập ngôi trương tiểu học lấy tên trường Nguyễn Tứ Trì.


Đời 12 : Ông Cử nhân Nguyễn Thái Du Tham gia phong trào đông kinh nghĩa thục của cụ Phân Bội Châu. Ngôi nhà của ông chính là nơi ẩn náu  của các nghĩa sỹ. Về sau ông được bầu làm Viện nhân dân đại biểu. Nhân dân quen gọi là Quan Đại.


 Đời 13:Ông Nguyễn thái Hiến đã có công đưa một số bà con vào làm ăn tại Đà lạt, tìm công ăn việc làm cho họ, khuyến khích học chữ quốc ngữ. Ông đã cùng Ông Phạm Khắc Hoè xin thành lập ấp Nghệ Tĩnh. Ông là Ông Tổ trồng rau ở Đà Lạt. Đặc biệt là Ông đã có công lớn trong việc  xây dựng  nhà thờ họ Nguyễn Thái tại Đà Lạt. Con cháu nội ngoại của thành phần này đã phát triển mạnh mẽ tạo thành liên chi họ Nguyễn Thái Trong Nam.


. Con cháu họ Nguyễn Thái càng ngày càng phát triển mạnh trên khắp nhiều vùng quê của  đất nước Việt Nam và tại nhiều quốc gia khác như: Mỹ, Pháp, Đức, Ca Na Đa, Nga, Hàn Quốc .v.v.v... và đã nối tiếp được truyền thống hiếu học, đức nhân nghĩa  của Cha Ông và các vị Tiên Tổ.


B- Nhà thờ Họ:


1- Nhà thờ họ Đại Tôn:


Từ thuở xưa nhà thờ này còn bé nhỏ, đơn sơ đặt tại làng Yên Tứ xã Văn Tràng tổng Đô Lương, Phủ Anh Sơn, hiên nay là xóm Yên Minh, xã Yên Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An. Đến năm Đinh hợi( 1887) ông phó bảng Nguyễn thái Tuân (đời 11) đã mua gỗ và hướng dẫn con cháu tạo dựng một ngôi nhà thờ 3 gian to lớn khang trang, nay là nhà thờ thượng. Sau đó họ làm thêm nhà thờ hạ 3 gian. Trong cuộc kháng chiến chống Pháp đấu tranh thống nhất nước nhà  với chính sách cải tạo đồng ruộng, thu gon các đình đền và cất bốc mồ mả, năm 1966 Họ đã phải bán nhà thờ hạ để trang trải các chi phí . Năm 1971 Họ mua lại nhà thờ Cố Minh ( hệ 1 họ ta) để làm nhà thờ hạ . Hiện nat nhà thượng dựng dọc, nhà hạ dựng ngang, mỗi nhà đều 3 gian. Giữa gian nhà thượng có đeo bức đại tự ' DỰC KỲ LÂM' với ý Nghĩa là con cháu luôn luôn được che chở và phù hộ , hai bên có đôi câu đối bằng gỗ sơn son thiếp vàng"


' Nhất đường chiêu mục tinh thần tuỵ


Vạn cổ di luân nhật nguyệt hằng'


tạm dịch là


Tinh thần tổ tiên hội tụ tại nhà thờ


Luân thường được gìn giữ muôn đời  


Ỏ cột quyết phía ngoài nhà thượng có đôi câu đối:


' Khoa bảng hiển vinh đăng quốc sử


Công danh báo phục rạng thiên thu


Ở nhà hạ có đôi câu đối :


Tiên linh hiển đức tinh anh tại


Hậu duệ tư ân hương hoả tồn


Hàng năm vào ngày rằm tháng giêng đông đảo con cháu nội ngoại đã về đây làm lễ cúng tổ tiên . Họ đã tu sửa mua sắm thêm đồ tế khí  nên nhà thờ đại tôn ngày càng khang trang.


Nhà thờ chi 2A ( Hệ 3) Ở xã Văn Sơn:


Từ xưa nhà thờ này đặt tại làng Yên Tứ xã Văn Tràng, tổng Đô Lương, phủ Anh Sơn . Hiện nay là xóm văn Trường, xã Văn Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An. Đến thập kỷ 60 ông Nguyễn thái Trữ, đời 13 di cư lên khu kinh tế mới ở miền núi thuộc huyện Tân kỳ, ông đã lập nhà thờ trong khu vườn của ông. Khi có chủ trương cải tạo đồng ruộng  và cất bốc mồ mả , nhà thờ đó đã phải bán đi . Từ đó chi 2 A (tức hệ 3) hằng năm cúng tế tại nhà ông Nguyễn thái Quơn, đời 13 tại xã Văn Sơn, huyên Đô Lương.


Nhà thờ chi 2 B ( Hệ 4) tại xã Văn Sơn:


Từ xưa nhà nthờ chi này ở phí Bắc QL7 tại làng Yên tứ ,Xã Văn Tràng, tổng Đô Lương, Phủ Anh Sơn. Hiện nay là xóm Văn Đình, xã Văn Sơn, huyên Đô Lương, tỉnh Nghệ An. Đến thập kỷ 60 do phong trào di dân xa QL7 để tránh tai nạn chiến tranh , nhà thờ này đã được chuyển vào xóm 12 xã Văn Sơn, huyên Đô lương, tỉnh Nghệ An. Ông Nguyễn Thái Sơn trưởng chi và họ hàng đã tôn tạo lại thành  nhà thờ thượng  3 gian  dựng ngang. Năm 2001 họ đã xây dựng thêm 1 nhà thờ hạ 3 gian khang trang . Ở cột quyết nhà thượng có đôi câu đối:


Trí dũng kiên cường thiên tuế trọng


Gia phong cao đức vạn xuân lưu


Nhà thờ liên chi tại Đà lạt:


Nhà thờ này được ông Nguyễn thái Hiến xây cất lần đầu tiên theo kiểu nhà thờ trang vào năm 1932, tại ấp Tân Lạc thuộc thành phố Đà Lạt , để có nơi thờ phụng tổ tiên và để kỷ niệm những người di dân Nghệ An đầu tiên đến lập nghiệp và sinh sống tại đây. Qua sự giúp đỡ và dìu dắt của ông thế hệ di dân họ Nguyễn Thái gồm ông Hiến, San, Siên, Điền Diên, Biền, Tuyên đời thứ 13  và Tùng thứ 14 . Nhà thờ nguyên thuỷ này đã được trung tu lại nhiều lần theo lịch trình sau:


- Năm 1938 họ làm theo kiểu long thần


- Năm 1942 chư vị Thánh giáng ứng vào mùa thu


- Năm 1944 thành lập đông tử


- 1952 đồng tử cúng lọng, trống và chiêng


- Năm 1953 toàn họ nội ngoại và đồng tử làm nhà thờ hạ


- Năm 1957 họ xây nhà thờ thượng hiện hữu, đồng thời đồng tử tráng xi măng nền nhà hạ, sân và xây bờ đá xung quanh sân.


- Sau 1975  toàn họ đã tân trang và trùng tu lại nhà thờ.


Nhà thờ cách trung tân thành phố 1 km năm trong khu vườn của ông Hiến, hướng về phía bắc, nằm trên sườn đồi phía nam thành phố, cách trường trung học tư thục công giáo Adran và ấp Xuân An bởi một con suối nhỏ. Hiên nay đã có đường lớn rải nhựa , xe hơi có thể vào tới nơi.


Nhà thờ gồm một điện bằng gỗ rộng ...m2 và một phòng sinh hoạt bằng gạch 120m2 phía trước. cách nhau môt sân lộ hiên khoảng 4m. Toàn khu được bao bọc bởi tường rào xây bằng gạch vững chắc và kín đáo với đường lên nhà thờ khang trang sạch sẽ . Nhà thờ đã được trùng tu nhiều lần với sự đóng góp công sức của toàn thể con cháu nội ngoại.


Mặt tiền nội điện được trang hoàng phía trên với đại tự ' ĐẠI HOÀNG SƠN' Bên trái với 2 chữ 'TẢ CHIÊU", Bên phải với 2 chữ " HỮU MỤC" , phía dưới giữa 3 cánh cửa là 2 câu đối :


Công đức cao danh truyền vạn đại


Ân tử viễn vọng hiển thiên thu


Ngoài việc thờ phụng Tổ Tiên , nơi đay còn thờ 4 vị Thánh, hàng tháng cứ vào ngày rằm và mồng 1 đều có thắp hương đều đặn. Hằng năm nhằm ngày rằm tháng giêng con cháu nội ngoại về tế tổ rất đông đảo. Các ngày kỵ các Thánh thì tương đối ít người tham dự hơn. Đây cũng là trung tâm y tế lớn cho cộng đồng người Nghệ An và một số nhân dân ngượng mộ đền. Các bệnh nhân thuộc loại nan y đã được các bệnh viện Đông tây y chữa trị nhưng chịu thua, tới cầu lung xin thuốc, toa thuốc do các vị thánh nói trên cho qua trung gian người đồng tử chủ chốt cầu lung. hai chủ chốt   là ông Nguyễn thái Biên và Nguyễn thái Thiềng. Lúc đầu các tiệm thuốc bắc không dám bán ví nhiều toa có liều lượng thuốc độc rất cao, nhưng dần dần nhiều bệnh nhân đựơc chữa trị khỏi bệnh, từ đó người xin thuốc ngày càng đông.  Việc chữa bệnh được tiếp tục và kéo dài  cho đến tháng 5/1976 khi người đồng tử cuối cùng qua đời. Một vài sinh hoạt khác được diễn ra giữa các vị thánh và những người sính thơ trong họ, hoặc những gia đình gặp tâm sự bối rối hoặc gia đạo bất yên đều tới đây gặp Thánh xin ý kiến.


 Các vị Thánh Nghiêm vệ và Thuỷ Vân Công chúa là con ông Tổ Thái tử Quỳnh ( chi 2). Đức thánh Nghiêm vệ tên là Thái tử Tăng, Ngài cầm quân đi đánh giặc ở Lào và hy sinh tại trận tiền ngày 16/9 ÂL, hàng năm Họ ta làm lễ tế Ngài cùng với vị Tổ Cô. Vị hiệu Ngài là: ' Tiên tổ, Thần Tổ tiền Nghiêm Vệ hùng binh mạnh tướng quân tôn thần vị tiền', Vị hiệu Tổ Cô là : ' Tiên tổ, Thần Tổ Âm phong Thuỷ Vân Công chúa tôn nương vị tiền. 


Trên dây là toàn bộ quá trình lịch sử phát triển của dòng họ Nguyễn Thái trên đất Văn tràng, dù con cháu ở nơi đâu trên mọi miền đất nước, hay ở nước ngoài cũng có thể xem và hiểu được truyền thống cần cù, hiếu học, đức nhân nghĩa của cha ông, để tư đó noi gương các vị Tiên Tổ làm cho dòng họ Nguyễn Thái càng ngày càng phát triển./.


 


 


 


 


 


 

Gia Phả Nguyễn Thái
 
     
Toàn bộ thông tin trong gia phả, là thuộc bản quyền của tộc Nguyễn Thái.
Mọi sự trích dẫn phải được phép của người quản lý đại diện cho tộc Nguyễn Thái
Mọi thiết kế, hình ảnh trong trang web này, là bản quyền của Việt Nam Gia Phả.