Đã thành đạo lý ăn sâu vào tâm khảm của mỗi người từ ngàn xưa, mãi cho đến ngày nay và mãi mãi cho đến muôn đời mai hậu. Đạo lý đó đã thôi thúc các dòng tộc chú trọng thiết tha đến việc lập Gia Phả, tìm về cội nguồn, xây dựng Nhà Thờ Tộc, Phái, Chi, v.v…
Trải bao đời, theo lời truyền miệng, vị thỉ tổ của tộc NGUYỄN NGỌC chúng ta quê từ đất Bắc đã theo chân vua chúa vào Nam khai cơ lập nghiệp. Đọc lại những trang gia phả còn lưu giữ được, chúng ta cũng chẳng thấy có gì khác hơn.
Là con cháu, ai cũng đều mong có cơ duyên để tìm hiểu thêm về cội nguồn. Nhân cơ hội Ban đại diện Đại tộc Nguyễn tại Quảng Nam - Đà Nẵng đã đề xướng phong trào tìm về cội nguồn, gia tộc chúng ta, các bậc thúc phụ đã khuyên các con cháu gắng công tham gia nghiên cứu sưu tầm làm sáng tỏ thêm về cội nguồn tiên tổ.
Căn cứ vào những tài liệu mà chúng tôi được xem do Ban đại diện Đại tộc Nguyễn tại Quảng Nam - Đà Nẵng đã sưu tập được:
- Thế phổ: Nguyễn đại tộc Quảng Nam - Đà Nẵng
- Lịch đợi: Nguyễn tộc tôn thân quan hệ đẳng phái
- Duy tân ngũ niên tôn đồ phụ lục
- Tấu từ Bắc địa (đời Hậu Lê)
Cùng những chi tiết rải rác trong các sử sách, nay chúng tôi xin được lược dẫn những phần tiên hệ.
Các chi nhánh họ Nguyễn ở nước ta, cả ba miền Bắc, Trung, Nam đều chấp nhận lấy Đức thái tổ Nguyễn Bặc làm thỉ tổ và nhận vùng Gia Miêu, Tổng sơn, Thanh Hoá làm nguyên quán.
Ngài Nguyễn Bặc sinh năm 924, người hoa Lư, tỉnh Ninh Bình, là bạn của vua Đinh Tiên Hoàng từ thưở nhỏ. Ngài là người có công lớn trong sự nghiệp dẹp loạn 12 sứ quân, nên khi triều Đinh được thành lập, Ngài được phong đến tước Đại Quốc Công. Ngài mất năm 979, thọ 55 tuổi.
Trong suốt 7 thế kỷ, từ thế kỷ thứ X đến thế kỷ XVI, họ Nguyễn đã có những tiên tổ là những bậc công thần, danh tước qua các triều đại: Đinh, Lê, Lý, Trần cho đến thời hậu Lê.
Tiếp theo đệ nhất tổ Định quốc công Nguyễn Bặc, Ban soạn thảo thế phả tộc Nguyễn tại Quảng Nam - Đà Nẵng mới chỉ sưu tầm liên kết thêm được 11 vị tổ, đến đệ thập tam (13) là ngài đô đô tướng công Nguyễn Văn Chánh.
Ngài Nguyễn Văn Chánh sinh năm 1368, mất năm 1419. Ngài là quan dưới triều đại nhà Trần. Vợ của ngài người họ Tống. Ngài có hai người con trai:
1. Nguyễn Công Duẫn có nơi gọi là Nguyễn Giang
2. Nguyễn Văn Phước có nơi gọi là Nguyễn Ngọc Phát.
Con cháu hậu duệ của ngài Nguyễn Công Duẫn (Nguyễn Giang) dưới thời Trịnh Nguyễn phân tranh đã nối nhau kế truyền 9 đời chúa (miền Nam), mãi đến năm 1802 lập nên vương triều nhà Nguyễn.
Con cháu hậu duệ của ngài Nguyễn Văn Phước (Nguyễn Ngọc Phát) được kế dẫn như sau (viết bằng chữ Hán và được tạm dịch)
Khai sáng thuỷ tổ.
Ông Nguyễn Ngọc Thơ có vợ là bà Lê Thị Yến tiên tổ tộc Nguyễn Chánh tại Ỷ lủng, Kỳ Lâm, Quảng Đợi, phủ Điện Bàn; là con trai đầu của ngài Nguyễn Ngọc Phát sanh hạ bốn đời đến Nguyễn Chánh Điển.
Ông Nguyễn Ngọc Cẩn (còn gọi là Nguyễn Văn Tổ), tiên tổ Nguyễn tộc Hương Sơn, Duy Xuyên; là con trai thứ nhì của ngài Nguyễn Ngọc Phát.
Ông Nguyễn Đức Phú, vợ là Huỳnh Thị Thu, là con trai thứ ba của ngài Nguyễn Ngọc Phát tiên tổ tộc Nguyễn Đức tại Kim Bồng.
Ông Nguyễn Ngọc Hiệu, có vợ là bà Phạm Thị Lý, là con trai thứ tư của ngài Nguyễn Ngọc Phát tiên tổ tộc Nguyễn Ngọc tại Mỹ Xuyên, Duy Xuyên.
Ông Nguyễn Ngọc Cào, có vợ là bà Huỳnh Thị Anh, là con trai thứ năm của ngài Nguyễn Ngọc Phát tiên tổ tộc Nguyễn Ngọc tại Mỹ Xuyên, Duy Xuyên.
Ông Nguyễn Đức Tảo, có vợ là bà Lý Thị Nương, là con trai thứ sáu của ngài Nguyễn Ngọc Phát tiên tổ tộc Nguyễn Đức, Nguyễn Chánh tại Mỹ Xuyên, Duy Xuyên.
Như vậy sáu vị kể trên là con trai của ngài Nguyễn Ngọc Phát (còn gọi là Nguyễn Văn Phước), cháu nội ngài Nguyễn Văn Chánh đều là những bậc khai sáng thỉ tổ NGUYỄN NGỌC tại vùng đất Quảng Nam - Đà Nẵng.
Theo gia phả tộc của chúng ta, Triệu tổ là Ngài NGUYỄN ĐẠI LANG TỰ THÔNG ĐẠT PHÚ QUÂN (NGUYỄN NGỌC HIỆU –Tức HIẾU) con trai thứ 4 của Ngài NGUYỄN NGỌC PHÁT.