11.3.3.1C Nguyễn Phúc Dương (Mục Vương)
Ông là con Thế Tử Nguyễn Phúc Hạo, cháu nội của Thế Tông Hoàng Đế, là em con chú của đức Thế Tổ.
Ônng tính tình nhân từ, mặt mày đẹp đẽ như tranh. Khi gặp loạn năm Giáp ngọ (1774), ông theo đức Duệ Tông vào Quảng Nam. Bọn Nguyễn Phúc Chất tâu với đức Duệ Tông lập ông làm Đông Cung Thế Tử mưu đồ việc khôi phục. Đông cung được lệnh ở lại trông coi Quảng Nam.
Quân Tây Sơn do Nguyễn Văn Nhạc điều khiển muốn bắt ông để mượn tiến sai bảo mọi người, nên đem quân tấn công. Ông bị Nhạc bắt đem về Hội An. Bây giờ Tống Phúc Hạp (29) dẫn quân từ Gia Định lấy lại Phú Yên, thế quân rất mạnh nên sai người đến Nhạc đòi lại ông. Nhạc phải đưa ông về An Thái. Nhạc lại muốn mưọn tiếng ông để thu phục nhân tâm nên đưa về Bồng Giang và gả con gái là Thọ Hương cho ông, và khoản đãi một cách tôn kính. Nhạc giả vờ lấy nghĩa phù lập Đông cung an định xã tắc để trá hàng, Hạp không phòng bị nên bị đánh bại chạy về Vân Phong.
Năm Bính thân (1776) Nhạc thấy thế lực mình mỗi ngày mỗi mạnh nên tự xưng là Tây Sơn Vương, đưa ông về chùa Thập Tháp. Mùa đông năm đó ông lén trốn về Gia Định.
Bọn Lý Tài trước đây bỏ Nguyễn Nhạc theo gíup Tống Phúc Hạp nghe ông trốn về, đến rước về Sài Côn và lập nên làm Tân Chính Vương, tôn Duệ Tông làm Thái Thượng Vương.
Năm Đinh dậu (1777) Nguyễn Huệ dẫn quân Tây Sơn đánh Sài Côn, ông bị thua phải lui về giữ Tranh giang. Duệ Tông cũng đến đấy. Duệ Tông bảo rằng : "Ta chống với giặc ở trước mặt Tài Phụ, còn cháu lo giữ Trà Luật, chưởng cơ Tống Phúc Thiệm đón ông về Ba Việt. Mùa thu năm đó các tướng đều bị bệnh chết, chỉ còn một mình Tống Phúc Hòa chiến đấu với địch. Ông thấy quân ít, thiều lương định chạy vào Bình Thuận hợp binh với Chu Văn Tiếp. Việc chưa thành thì giặc tấn công Ba Việt, Phúc Hòa chết, ông sợ đồn binh bị thảm sát nên hứa với địch sẽ nạp mình nếu để an toàn quân và dân trong đồn. Giặc bằng lòng, ông giữ đúng lời hứa. Năm đó ông củng 18 người đi theo đều bị địch hại.
Ông mất vào ngày 18 tháng 9 năm Đinh dậu (18-10-1777).
Ban đầu ông được ban thụy là Hiếu Huệ Vương thờ tại Thái Miếu ở Gia Định. Năm Giáp tý (1804) vua Gia Long cải thụy là Cung Mẫn Anh Đoán Huyền Mặc Vĩ Văn Mục Vương.
Năm Kỷ tỵ (1809) vua cho cải táng đem về chôn tại Long Hồ (Hương Trà, Thừa Thiên), thờ chung tại miếu của thân sinh ông (30), cấp tự điền 100 mẫu, và cho Nguyễn Phúc Diệu làm cai đội lo việc thừa tự.
Năm Ất dậu (1825) vua ra lệnh lấy lại tự điền, cấp tiền trong kho để lo việc cúng tế. |