- VÕ NGỌC UYỂN , sinh năm 1931 (Tân Mùi), nghề dạy học, vợ là HUỲNH THỊ THÁI DUNG sinh năm 1934 (Giáp Tuất) ở thôn Trung Tín, nghề nghiệp buôn bán. Sanh hạ VÕ NGỌC CHUYỂN (Bính Thân – 1956), VÕ THỊ MỸ NHIÊM (Mậu Tuất – 1958), VÕ NGỌC CHUYÊN (Tân Sửu – 1962), VÕ THỊ MỸ KIM (Giáp Thìn – 1964), VÕ NGỌC CHUYỀN (Bính Ngọ – 1967), VÕ THỊ MINH NGUYỆT (Kỷ Dậu – 1969), VÕ THỊ QUYÊN QUYÊN (Tân Hợi – 1972), VÕ NGỌC CHUYỆN (Bính Thìn – 1976).
• VÕ NGỌC CHUYỂN – sinh năm 1956 (Bính Thân), nghề nghiệp dạy học, viết báo, kinh doanh; vợ là NGUYỄN THỊ ĐỨC HẠNH sinh năm 1955 ở Sài Gòn, nghề nghiệp làm báo, dạy học, đang ở tại 111/35 Trần Bình Trọng, phường 2, quận 5 Sài Gòn; sanh được VÕ NGỌC THANH UYÊN (1979 – Kỷ Mùi), VÕ NGỌC THẢO UYÊN (1982 – Nhâm Tuất).
+ VÕ NGỌC THANH UYÊN – sinh ngày 03/7/1979 (Kỷ Mùi), có chồng là LÊ PHƯỚC HOÀNG (Joseph Griffin), định cư ở Hoa Kỳ từ năm 2004. Có con là Antony Vo Le-Graffin (sinh ngày 17/7/2007) và Benjamin Vo Le-Graffin (sinh ngày 01/5/2009). Địa chỉ hiện tại là 9022 Creeks Gate Court, Richmond, Texas, TX77407, USA
+ VÕ NGỌC THẢO UYÊN – sinh ngày 13/12/1982 (Nhâm Tuất) có chồng là Trần Đức Lộc quê Bồng Sơn – Bình Định. Đang sinh sống tại Sài Gòn. Có con gái đầu lòng là Trần Thảo Ngân (Candy) sinh ngày 14/10/2007 (Đinh Hợi); con gái thứ nhì tên Trần Ngọc Mai Anh (bé Trầu) sinh lúc 15g ngày 02/11/2009 (Kỷ Sửu).
• VÕ THỊ MỸ NHIÊM – sinh năm 1958 (Mậu Tuất), nghề nghiệp thợ may, buôn bán; chồng là NGUYỄN AN HÒA quê ở Hưng Nghĩa, đang sống tại thị trấn Tuy Phước; sinh được : NGUYỄN THUỴ HOÀI NHÃ, NGUYỄN TOÀN PHONG, NGUYỄN VŨ QUỲNH NHƯ, NGUYỄN VŨ MỸ NGUYÊN.
• VÕ NGỌC CHUYÊN – sinh năm 1962 (Tân Sửu), nghề nghiệp kế toán, vợ là LƯU THỊ HÀ ở Vũng Tàu, nghề nghiệp kế toán. Võ Ngọc Chuyên có vợ thứ tên là Hạnh ở Quảng Ngãi sinh được 02 con, con trai là VÕ NGỌC TRÍ UYÊN (2001 – Tân Tỵ) và con gái là VÕ NGỌC HẠNH UYÊN (2006).
• VÕ THỊ MỸ KIM – sinh năm 1964 (Giáp Thìn), nghề nghiệp thợ may, buôn bán; chồng là NGUYỄN MINH HOÀNG quê ở Diêu Trì, nghề nghiệp sửa chữa hàng điện tử, buôn bán; đang sinh sống tại thị trấn Diêu Trì, huyện Tuy Phước; sinh được NGUYỄN THỊ MINH TRIẾT, NGUYỄN MINH TÂN, NGUYỄN THỊ MINH THY.
• VÕ NGỌC CHUYỀN – sinh năm 1967 (Bính Ngọ), nghề nghiệp kỹ sư xây dựng, vợ là LÊ QUÝ THỊ BÍCH KHUÊ, nghề nghiệp nội trợ; sanh được : VÕ LÊ NGUYÊN (1997 – Đinh Sửu), VÕ NGUYÊN CHƯƠNG (2001 – Tân Tỵ).
• VÕ THỊ MINH NGUYỆT – sinh 1969 (Kỷ Dậu), nghề nghiệp kỹ sư điện tử; chồng là LÊ HỒNG HÀ, quê ở Tam Kỳ Quảng Nam, nghề nghiệp kỹ sư điện tử; sinh được con trai đầu lòng là Lê Nhật Minh, đang sinh sống tại quận 7 Sài Gòn.
• VÕ THỊ QUYỀN QUYÊN – sinh năm 1972 (Tân Hợi), nghề nghiệp thư ký hành chánh, phiên dịch tiếng Anh; chồng là NGUYỄN VŨ VINH quê ở Bình Định, nghề nghiệp kỹ sư hàng hải; đang sống tại quận Tân Phú, Sài Gòn; sinh được con trai đầu lòng là NGUYỄN VŨ CHINH (2001 – Tân Tỵ) và con gái là NGUYỄN KHÁNH LINH (2007)
• VÕ NGỌC CHUYỆN – sinh năm 1976 (Bính Thìn), đang sống tại thị trấn Tuy Phước, tỉnh Bình Định; có vợ là Hằng quê ở Đà Nẵng. Có con trai đầu lòng là Võ Ngọc Quốc Uyên (sinh tháng 12/2007).
Trong ngày mừng thọ 80 tuổi (12/01/2010) , ông đã công bố bài viết để lại cho con cháu như sau :
Nay rảnh rỗi viết để lại chứ việc đời khó lường. Mới ngày nào đây mà nay đã gần 80 tuổi, có con, có cháu, có chắt.
May nhờ phúc đức ông bà, qua nhiều giai đoạn, anh chị em con cháu chúng ta cũng được yên ổn. Chỉ có mẹ ta là bà Trần Thị Miều (Niều) bị bệnh tim đột ngột mất sớm. Bà sinh năm 1906 mất năm 1949.
Theo mấy chị kể lại, bà biết chết từng chỗ cho đến khi hết nói được. Cha biết mạch chết, chỉ đổ sâm chứ không cứu được. Lúc ấy ta đi học. Trời mưa, nhờ người đến trường tìm. Được tin chỉ xách chiếc đèn dầu băng lội đường xắp xắp nước, qua cầu Tân An trời chưa sáng, đò chưa có, mà về đến nhà đã chôn mẹ rồi. Chỉ có biết khóc buồn tủi chứ việc đã rồi ! Cầu mong cho linh hồn mẹ được sớm siêu thoát.
Mẹ sanh ở Cảnh Vân xã Phước Thành, chi lớn của từ đường họ Trần, con gái thứ hai ông Trần Võ và bà Hứa Thị Khiết (Bà Hứa Thị Khiết người Minh Hương ở thôn Vân Hội xã Phước Long). Theo lời cha nói lại: Ông bà ngoại có hai người con gái đầu lòng, cứ xem được tuổi thích cô nào ông gả. Cha chọn má hợp tuổi, là em mà xác lớn, nước da hồng hào, lúc ấy má chỉ 14- 15 tuổi khi về nhà chồng còn rủ hàng xóm đi chơi buôn bán… Vậy mà qua năm tháng má là người gánh vác việc nhà cửa, lo cho con cái ăn học, người siêng năng tảo tần, việc ruộng nương, buôn bán chẳng kém ai. Đã nhiều lần ra Vinh, Hà Nội vào Phú Yên, Nha Trang, buôn bán thổ sản, tạp hoá, chén bát, áo y, bao dứa … đều rành. Bà con trong làng trên xóm dưới đều quen biết mến mộ. Bà mất đột ngột không sổ sách nên không biết ai để đòi nợ, chỉ có người thân họ mới trả.
Lúc đó hai chị đã có chồng nên ta phải nghỉ học để giúp việc nhà. Phần buồn phiền, phần nhớ mẹ, chưa quen việc ruộng nương phải tập làm với người ta. Rồi cũng quen dần, cày bừa, nước non người ta làm mình cũng làm. Việc tát nước, nhổ mạ, nấu nướng có cô Bảy (Võ Thị Nhung). Cô còn nhỏ mà biết việc, siêng năng nên cô Tám (Võ Thị Bạch Nha) và chú Chín (Võ Ngọc Lam) đều được đi học. Chỉ có phần cô thiệt thòi phải học bình dân học vụ, tối nào cũng xách đèn đi học. Cô Bảy học ít nhưng tư chất thông minh nhớ nhiều, có chồng ở Thọ Nghĩa là Đặng Văn Hậu. Dượng người cùng xã, học giỏi, con nhà giàu, cha mẹ mất sớm, là giáo viên nhưng làm ruộng rất giỏi. Cô dượng sanh được một trai, một gái là Đặng Văn Hùng và Đặng Thị Thu Hương đều theo cha làm nghề dạy học. Ngày nay mỗi khi trong nhà có dịp gặp nhau, cô thường nói chuyện văn thơ, cổ tích răn dạy con cháu, nói chuyện tiếu lâm, ca dao, hát bội làm cho cả nhà đều cười vui, ai ai cũng mến.
Nói lại chuyện cũ, việc nhà tạm ổn, tang mẹ rồi cũng theo năm tháng. Lúc ấy có chương trình cải cách giáo dục, mỗi huyện đều có một trường cấp hai, trường tư giải tán. Bạn bè rủ nhau đi học, gặp lại thầy cũ động viên đi học lại. Nhắm thấy trường ở Vinh Thạnh gần nhà lại học ban đêm nên xin cha cho đi học. Chỉ băng qua Đồng Lát là tới trường. Chủ nhật ngày nghỉ có thể làm ruộng, tháo nước được. Năm học rồi cũng qua mau. Nhờ học cũng khá, ở Tuy Phước không có trường học tiếp, phải chuyển ra học ở Nhơn Phong - An Nhơn, bạn bè lôi kéo chứ lúc đó ở địa phương ít có người được đi học, vả lại là lớp cuối cấp, nghỉ học có thể xin đi dạy, đi làm, nên cha và mấy em cũng bằng lòng giúp đỡ. Ngày lễ, chủ nhật phải về nhà thăm ruộng, lấy gạo tự túc. Tháng 10 năm ấy lụt nhiều, đi học ít về, ruộng lúa bị chết, cấy đi cấy lại, mùa màng bị mất phải xoay xở mới đủ ăn giáp hạt. Ông nội bảo ta phải cưới vợ để lo việc nhà chứ ông không đi bước nữa sợ khổ cho con cái.
Thế buộc phải cưới vợ chớ cô ấy có biết ruộng nương gì đâu ! May sao gặp được người biết lo gánh vác việc nhà. Cô Bảy đi lấy chồng, cô Tám, chú Chín được đi học. Bà vừa lo việc nhà vừa buôn bán để nuôi chồng, nuôi cha cùng các em. Lúc đó là thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Thuế nông nghiệp tính theo nhân khẩu, ruộng nhiều ít mức thuế lũy tiến phải gắng làm 3 vụ mới đủ ăn, đủ nộp thuế, chứ thiếu thuế dễ bị đấu tố. Ruộng khô phải tát nước hai ba đợt, tát gàu đôi thay phiên nhau ngủ nghỉ, ai ai cũng gắng làm.
Lao lực không quen người kiệt sức, sốt rét, ho hen, húng hắng, người ốm dần phải lo chạy chữa thuốc thang. Việc dân công, tiếp vận cũng được miễn, bù vào phải đi tính thuế nông nghiệp vì là dân có học biết tính làm bộ thuế nông nghiệp. Làm nông không nổi, định xin đi dạy, nếu đi dạy sẽ bị tính mất một nhân khẩu, biểu thuế tính tăng, đóng thuế nhiều hơn số lương đi dạy. Ba khuyên ở nhà dưỡng bệnh chỉ lo nước non ruộng vườn chờ vài năm đất nước bình yên. Lúc đó bà xã đi bán dầu, mua ở Đa Tài gánh bán ở Quy Nhơn, vốn được mấy đôi dầu, ngày nào về tính cũng có lời, bạc cả gánh nhưng dầu mỗi ngày một ít hơn.
Một sáng gánh dầu đi bán, thấy bồ treo, nghe kẻng đánh báo tàu giặc cập bến phải quay lưng gánh về, ngó trên đầu đã có máy bay bắn phá, phải chạy núp từng đợt, từng đợt mới về được nhà. Về tới nhà ngó lên đỉnh núi Trường Úc thấy giặc lố nhố trèo lên núi. Mõ đánh, loa báo, bà con tản cư, người người gồng gánh, đánh trâu bò, ẵm con cái chạy đi tản cư. Có nhà chỉ kịp kéo ngõ chứ đồ đạc còn để nguyên không cất, không khóa, chờ tối hôm sau về dọn dẹp chôn giấu. Ruộng cắt rồi cũng để yên, gà heo ruộng vườn có du kích trông coi. Đi về phải báo du kích biết để họ chỉ mìn, hầm chông. Vậy mà cũng có nhiều người bị vướng mìn, sập hầm chông phải nhổ cưa chông sắt, chông tre, thuốc men chỉ có nước muối, thuốc tím, thuốc đỏ. Bà con tản cư lúc đầu chỉ phát bờ phát bụi để ở. Sau này thấy giặc cứ ở mãi, đi càn đi quét nên phải chạy lánh lên Phước Quang, An Nhơn. Nhà mình lúc đó cô chú đều lớn có việc làm tước dứa, đương bao ra chợ bán vào buổi tối, còn rủ nhau vòng lên Phước Thành mua than bán kiếm thêm tiền rất lời, không chịu ở không.
Tàu chiến cập ở biển bắn phá ngày đêm nhưng rồi cũng quen dần, nghe đạn bay đoán biết rớt gần xa, pháo đèn lúc đầu tưởng là giặc thấy rất rõ núp ướt cả áo quần, sau bỏ dần chỉ núp sơ vào bờ bụi không hấp tấp như trước. Giặc Pháp đổ bộ bắn phá càn quét hãm hiếp, đốt phá rồi cũng lui dần.
Ông nội đã mấy lần suýt chết. Hôm ấy, lúc mờ sáng cả nhà đều chạy chỉ có ông ở lại thủng thỉnh đi, giặc thấy thoáng bắn trơ trọi cả một vùng ông vừa vào núp. May nhờ có mương sâu, bụi tre che khuất ông cứ lần lần chạy thoát. Có hôm cả nhà đang ngồi ăn cơm nghe trái đạn bay xè xè rớt sát bụi tre gần chỗ ngồi, may là trái đạn thối chỉ nghe cái rột sát bụi tre.
Còn phần ta đã mấy lần gặp nạn đều qua khỏi sau này người ta nói lại mới biết.
Việc đời là thế, có cái may cái rủi trong gang tấc, không ai tài giỏi lo liệu trước được. Ta có giấy triệu tập đi học hiến binh, vì cầu Bình Triệu sập nên ta mới ở nhà đi dạy học. Ta đang dạy học lại có giấy gọi đi quân dịch. Không biết lành dữ thế nào? Cha anh Đường Tuấn Kỳ (dượng Giáo) đến thăm bảo ta viết mấy chữ để tính toán quẻ Khổng Minh. Ta còn nhớ mãi sau khi tính ghép lại thành câu “thục đục quỳnh đình kinh nhất quyển”. Dượng bảo : cháu có quẻ tốt, theo ý quẻ lành, số cháu là đi dạy học. Quả vậy sau thời gian tập quân dịch người ta cho đi dạy học cho đến hết hạn giải ngũ.
Ta cưới vợ sáu, bảy năm trời vẫn không có con, ai ai cũng bảo là nâng, nay đã được hai phần ba tá: bốn trai, bốn gái đều song toàn. Sanh được thằng út trong thời gian bao cấp, ruộng đất phải vào hợp tác xã, làm công phải tính điểm để lãnh lúa, con đông đều đi học. Ngày nghỉ phải tham gia lao động nhổ cỏ, cuốc ruộng, dọn bờ, con trai, con gái đều tập đi làm.
Ngày trước ông bà đều ở nhà quê có ruộng có vườn chỉ ở quanh quẩn xóm làng lo giữ mồ mả, từ đường, hương hỏa, sống theo kiểu tứ đại đồng đường, thờ phụng ông bà để giữ tròn chữ hiếu đạo. Nay anh chị em ta có học chút ít, đã đi xa biết bay nhảy lo tính công ăn việc làm phù hợp với sở thích, chứ nếu cứ ru rú ở quê nhà làm ruộng, nuôi gà, nuôi heo ắt không đủ chỗ ở !
Thời cha ta Võ Tuyên (1902 - 1975) ông là con út trong gia đình, tên tục là Lễ sau khai sanh là Võ Tuyên. Ông học chữ nho, chữ quốc ngữ, chữ Pháp, biết tam thế tự (???), có bằng cấp tuyên sinh yếu lược, học hết lớp về nhà học thuốc. Ông học nghề thầy thuốc một danh y xứ Nghệ vào ở làng Vinh Thạnh, Phước Lộc. Ông hành nghề thuộc loại giỏi, thường đi đây đi đó, đã có lúc ra Hà Nội vào Sài Gòn, qua Cao Miên lên Lào, đi ngao du nhiều nơi. Tính tình phóng khoáng, bình dân, giản dị thường giúp đỡ người nghèo khó. Mạch lạc của ông rất vững, bệnh nặng nhẹ, sống chết, chữa được hay phải thuốc thang lâu dài để cho thân chủ lo liệu, nói rõ ràng được xóm làng bà con rất bái phục. Trong thời kỳ quân chủ ông có làm hương bộ được cửu phẩm văn giai nên người ta thường gọi thầy Hương bộ Não (Não là tên con), hay thầy Chín ở Hưng Nghĩa. Trong thời kháng chiến, thuốc men thiếu thốn, ông thường bày dùng thuốc Nam chữa trị rất hiệu quả. Có bệnh nặng, thân chủ yêu cầu ở lại săn sóc, ông rất nhiệt tình chờ cho qua lúc hiểm nghèo.
Sau ngày giải phóng (ông mất tháng 10 năm 1975), bà con đi tập kết về ghé thăm thường nhắc nhở cảm mến thương tiếc ông thầy đã cứu được nhiều người thoát bệnh hiểm. Trước khi mất, ông dặn chỉ chỗ nằm, phương hướng cứ theo đó mà làm. Sau có nhờ thầy địa lý xem lại họ cũng để nguyên không xê xích gì. Chỉ thời gian vài tháng sau là địa phương quy hoạch, nhiều trường hợp dù đã làm mả vẫn phải đem nơi khác, riêng ông vẫn nằm ở chỗ cũ. Chú Chín lúc đó bị đi học tập. Được tin chú phải xung phong xin phép chở bè gỗ xuôi sông qua ghềnh thác, đi trong mưa gió lạnh lẽo. Về tới nơi đã chôn cất rồi.
Chú Chín tốt nghiệp sư phạm hai năm ở Ghềnh Ráng. Dạy được vài năm phải đi quân dịch được biệt phái về dạy lại ở Tây Định, An Nhơn. Mua đất cất nhà ở Quy Nhơn. Sau giải phóng họ buộc phải bán nhà đi kinh tế mới. Phần có con nhỏ lại chưa làm thuê, làm mướn, đất khách quê người nhưng chú thím vẫn lo cho con cái ăn học, phải tìm mọi cách vượt qua khó khăn trong thị trường bao cấp, tem phiếu. Lần hồi rồi cũng hòa nhập, chú thím mua được nhà ở thành phố, mấy đứa lớn được đi học, được bảo lãnh đoàn tụ ở Canada. Hiện tại con cháu ở Mỹ, ở Canada có nghề nghiệp ổn định. Tuy là ở xa nhưng con cháu vẫn liên lạc, nhờ hệ thống thông tin tiến bộ. Ngày giỗ, ngày tết thường liên lạc thăm hỏi, gởi về sửa chùa, cất miễu ở quê nhà. Nhờ vậy bà con ở quê nhà biết được tấm lòng của chú thím cùng con cháu ở hải ngoại. Họ cầu mong chú thím cùng các cháu có dịp về thăm quê, biết lại đường xưa lối cũ, mồ mả ông bà, tình làng nghĩa xóm nơi chôn nhai cắt rốn. Họ tin trời phật đã phù hộ cho chú thím cùng con cháu sức khỏe an lành.
Dượng Tám (Nguyễn Ưu) hơn cô hai tuổi. Cô Tám (Võ Thị Bạch Nha) khi còn trẻ chồng đi quân dịch, mẹ chồng già yếu phải trông cháu để cô đi học nghề. Cô vừa đi học vừa làm ruộng, vừa bán rau, phải làm thế nào cho quần áo sạch sẽ kịp vào lớp học. Khi hành nghề biết chỗ khó khăn không an ninh cũng đến giúp nên bà con xóm làng đều thương mến. Biết lo cho anh em tộc họ, thường thăm viếng san sẻ giúp nhau trong cơn hoạn nạn không rụt rè e ngại. Khi đau biết bệnh khó qua được, cô vẫn đốc thúc sửa chữa nhà cửa cho tươm tất, thấy rồi đi cho yên lòng. Âu cũng là số mạng chứ chồng con đều lo chạy chữa hết lòng. Cô mất, dượng buồn phiền nên sức khỏe cũng xuống dần, may là con cháu đều ở xung quanh. Dượng có phước nên bảo gì con cháu đều nghe răm rắp, hiện tại là như vậy không biết sau này có giữ được cái uy ấy để truyền lại cho lớp sau.
Chị Bốn (Võ Thị Phấn) 1929, tính tính tình xuề xòa rộng rãi, ưng anh Nguyễn Văn Nghiện ở Tình Giang, Phước Hiệp. Anh người có học, nhiều bạn bè, ứng xử linh hoạt. ngày tôi được gọi học hiến binh tôi tham khảo ý kiến anh khuyên chọn nghề dạy học. Lúc nhỏ anh đi học bạn bè chơi nghịch làm hỏng mất một mắt. Anh đã tập kết ra Bắc không biết thế nào anh lại vượt Bến Hải vào Nam. Việc đời khen chê không hiểu được, phải biết rõ ngọn ngành, có nhiều khúc mắc khó bày tỏ. Cuộc đời thay đổi liên miên âu cũng là số mạng.
Chị Ba (Võ Thị Não) 1926, có chồng người cùng làng tên Nguyễn Thành. Anh là con trai út trong gia đình giàu có, học thức, được đi Huế học thời Pháp thuộc, Anh tham gia kháng chiến, dạy học. Tập kết ra Bắc làm phóng viên nhiếp ảnh, vào Nam làm ở sở văn hóa, thời kỳ hợp tác xã có huy chương vàng nhiếp ảnh nghệ thuật. Chị sanh được một gái hai trai, bệnh mất năm 1960.
Anh Nguyễn Thành đi tập kết mang theo con gái Nguyễn Thị Vinh. Vinh học trường miền Nam, học xong làm cho Thông tấn xã Việt Nam. Vinh có chồng là Nguyễn Nhi, công an biên phòng ở Hải Phòng. Sau ngày thống nhất đất nước Nguyễn Thị Vinh về làm ở đài phát thanh Quy Nhơn. Chồng Nguyễn Nhi bị tai nạn chết. Trong thời kỳ bao cấp phải nuôi hai đứa con, Vinh chạy vào tá túc với em trai ở Sài Gòn. Hai đứa con gái trưởng thành đều có chồng là Việt kiều Pháp nên Vinh theo con sang ở bên Pháp.
Anh con trai lớn là Nguyễn Huyên học Đại học Sư phạm Sài Gòn. Sau ngày giải phóng, Huyên công tác ở Thành Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh, hiện công tác ở Tổng Công ty Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh. Có vợ sanh hai con gái.
Anh con trai nhỏ là Nguyễn Huyến học hàng hải, sau giải phóng học thủy lợi, đã làm ơn bảo lãnh một thanh niên cải tạo lao động bất ngờ bị nó đâm chết. Cuộc đời là vậy: làm ơn trả oán. Huyến đã có vợ là Lê Thị Bích Liên, sanh được một cháu gái. Chồng chết, Liên được đi lao động ở Đông Đức. Sau khi Đông Tây sáp nhập được bảo lãnh cho con sang Đức học.
Thời Pháp thuộc, cha ta có gặp bà Dì ở Cảnh Vân sanh được một gái, một trai. Chú trai tên là Ba mất sớm, còn cô gái là Võ Thị Nượu. Dì bệnh nặng mất di để lại cô hai Nượu ở với bà dì của cô. Bà dì không muốn cho về với anh chị em vì cô rất siêng năng, làm được nhiều việc. Sau lớn lên cha ta gả có chồng là Lê Tô ở thôn Cảnh Vân xã Phước Thành. Cô Hai người nhỏ nhẹ, nhà cửa sạch sẽ làm ăn phát đạt, máy móc, trâu bò, ruộng vườn vào hạng nhất trong xóm làng, nhưng chỉ sinh được một gái là Lê Thị Ninh. Cô bị bệnh nặng chết bất ngờ không trăn trối gì cho chồng con. Ai ai cũng thương tiếc, không biết của cải để ở đâu chồng con khó biết. Lê Thị Ninh gặp chồng là Phan Văn Sáng người ở xã Phước Thuận sanh được hai con trai.
Nói chung, cha ta dựng vợ, gả chồng cho những nhà làm ăn lương thiện, có học hành tử tế, có ruộng đất ở nông thôn, không làm thuê làm mướn vất vả.
Ta nay đã nhiều tuổi người yếu dần không làm được việc cho bản thân, cho con cháu.
Ngày còn trai trẻ vợ chồng lo làm ăn dành dụm tiết kiệm chỉ đủ nuôi con, trải qua nhiều giai đoạn, có lúc thịnh có lúc suy vẫn cố giữ nề nếp gia đình gắng cho con cái ăn học. Muốn cho chúng bằng người ta, gặp đứa chây lười cũng phải la mắng quở phạt. Các con lớn lên nuôi con mới biết để thông cảm cho ba má vì mỗi thời một khác. Ba má sống với nhau gần năm chục năm không có tiếng nặng tiếng nhẹ chửi mắng nhau. Ta thì độc tài, bà ấy phải nhường vì việc gì cũng lo cho chồng con, anh chị em trong tộc họ. Ngày giỗ ngày quải dù buôn bán xa cũng tính về lo cho chu tất. Bạn hàng buôn bán xa gần ai ai cũng mến cái tính nhỏ nhẹ dễ thương không so bì hơn thiệt. Vào qui y nhà phật, thầy cho pháp danh “Diệu Ngôn” thật xứng đáng.
Chẳng may bị trọng bệnh vẫn vui vẻ sống qua ngày tháng với chồng con, không đòi hỏi than phiền rên la, chỉ mong sao thấy được con cháu nên người. Đau đớn đi dưỡng bệnh, bà con họ hàng tìm thăm cũng cố gắng lo cơm nước, tươi cười để cho vui lòng bà con. Chỉ muốn báo tin cho các con vào lúc quá đau không thở được nữa.
Má các con đã an nghỉ. Các con đã lo cho má không ai khen chê được.
Phần ta còn lại như các con đã biết:
- Cái nhà ở Hưng Nghĩa, chú thím gởi về cùng các cô dượng, ba và các con đóng góp để có chỗ cho các cháu đi về biết gốc gác quê hương, dòng họ. Tùy theo khả năng chỉ làm cho có nét chứ còn nhiều chỗ chưa vừa ý. Ta còn đi lại quét dọn chứ không có kinh phí bảo dưỡng. Cũng chưa tìm được người trông coi, trẻ em có lúc nhảy vào phá phách, gà chui vào bươi phá cắn chuối con không lên được.
- Cái nhà ở thị trấn cứ xuống cấp dần dần, họ đào để dặt ống dẫn nước, họ bảo mở đường phải thâm vào đến 5-6 m. Họ nói chứ chưa làm. Mưa lớn nước chảy đầy nhà. Lúc họ làm cũng chẳng có tiền.
- Cái vườn Ông Bá lúc trước trồng cây ăn trái con nít phá quá không thu hoạch được gì. Ta thì không đi về thường xuyên nên mướn người trồng bạch đàn, keo lá tràm. Cây lớn thuê người vun gốc hai ba lần, có năm bão lớn cây ngã xiên qua xiên lại. Lúc đó ta bị đau, không có người, cho nên bỏ lì, nó lên sao cũng được. Có vợ chồng Ánh nuôi bò qua lại ta có nhờ coi đừng cho trẻ con vào phá.
Sổ đỏ nhà vườn đã khai báo lâu vẫn chưa thấy nói gì, chỉ có giấy tờ của chính quyền thời trước.
Ngày trước má ta mất sớm, ruộng vườn nhà cửa đều giao cho vợ chồng ta. Khi cha ta yếu ta có trình bày làm phân thơ để chỉ phần cho anh chị em. Cha ta bảo: “để ta bán bớt một số rồi thấy đứa nào khổ cho chúng chứ chia chát gì”.
Cha kêu giá bán đám Mả Vôi, đám Chòi mà họ không mua tới. Cô Tám nghe vậy cũng bàn, lần hồi rồi tới ngày giải phóng, ruộng đất vào hợp tác xã. Chỉ có giữ được cái vườn Ông Bá là phần của vợ chồng ta tích cóp mua được của gia đình ông Võ Trọng Yêm – Võ Thị Chiêm. Đám chỗ đất cao móng nền bằng vôi có cái mả xây bằng gạch là mả bà nội ông Võ Trọng Yêm (bà này là con gái ông Đào Tấn, tên Đào Thị Kén) mả này ngày trước xây đổ đá trắng Non Nước người ta thấy tốt qua lại lấy dần nay gạch đá lở lói chẳng còn nữa. Chú Tám ở Sài Gòn có về thăm đem đèn nhang khấn vái cũng ngậm ngùi chứ tuổi cao không tính được chờ hậu thế…
Cuộc đời là vậy. Ta thấy bạn bè cùng lứa người có của cải phân kỹ rồi cũng chẳng êm ấm gì. Ta nay đã già yếu, con cái, dâu cháu ta tính đã không xong. Chỉ mong anh chị em thương ta lo cho con cháu sum họp vui vẻ.
Việc cúng quải, tang chế phải đơn giản, đừng bày vẽ lễ nghi phiền phức không ai khen.
Các con đều được ăn học biết nhường nhịn giúp đỡ nhau qua giai đoạn khó khăn, lo cho con cháu ăn học bằng người, tìm mọi cách để đoàn tụ lo cho thế hệ tương lai.
Việc đời anh chị em khi còn nhỏ cõng ôm, hun hít nhau, chia cái kẹo cái bánh, anh nhường cho em, em nhường cho anh, tình cảm thắm thiết, chứ lúc lớn lên có gia đình vợ con, mỗi người một tính khó lường được.
Gia đình bác ta (Võ Diêu - ông nội Võ Phan Long) thời nho học dạy dỗ con cái lễ phép mực thước, tôn ti trật tự, anh chị em nào cũng làm ăn bề thế. Bác đã tính trước để phần hương hỏa, phân chia cho con trai, con gái, giấy tờ, ký chỉ cho con rất rành mạch. Vậy mà chỉ sơ suất nhỏ, có phần béo phần gầy, không bằng lòng nói đi nói lại, tìm chỗ khuyết xúi nhau đi kiện, làm cho một thời anh chị em không đi lại nhau.
Về già ngó lại nhau thấy chẳng được cái mốc gì, con cháu không dám nói ra nhưng có ấn tượng không tốt trong họ tộc.
Có một thời, lúc bao cấp nhà cửa xuống cấp, phương tiện đi lại khó khăn, con cháu học hành bị hạn chế, bà con như xa dần…
May thay mấy năm gần đây con cháu chú Ba Long ở ngoại quốc đã gởi về sửa lại từ đường có chỗ thờ cúng ông bà khang trang sạch đẹp, tập hợp được con cháu nội ngoại, ngày giỗ, ngày chạp mả, ngày tết về từ đường đông vui, bà con ở xa hay công tác không về được cũng có điện hỏi thăm, chúc sức khỏe tỏ tình thân mật nên dù ở xa cũng thấy như gần.
Chỉ được vài năm, chú Ba Long ngã bệnh phải đi bệnh viện mổ xẻ chạy chữa rất tốn kém. Sức khỏe mỗi ngày một kiệt. Chú có bàn với con chú và bạn là anh Sáu Tố đánh máy chúc thư. Chú mất đi bà con rất thương tiếc, trụ cột của gia tộc xiên ngã. Ngày tháng đau đớn qua đi, mãi đến sau ngày làm tuần 3 năm của chú, thím Ba Long mới đưa cho chú Sáu Khuê bản đánh máy nháp chưa có ký chỉ của vợ chồng chú. Chú Sáu nói lại chứ ta chẳng biết nội dung viết những gì.
Đau đớn thay cháu Võ Ngọc Liễn ở Sài Gòn cũng ngã bệnh, biết không chữa được muốn đem về quê chôn cất. Vợ con cháu Liễn và cháu Lâm đã lo đem về được, cùng anh chị em gởi về cho má Liễn làm mả, lập tuần thờ cúng cho êm ấm.
Lâm đã lo cho cha rồi lo cho anh mà trời phật vẫn còn thử thách với nó. Gần đây tính nó không bình thường. Thím Ba Long hiện tại cứ đau ốm hoài, đã chạy chữa đủ thứ, đi bệnh viện, đi châm cứu, uống thuốc tây, thuốc bắc, thuốc nam, cầu xin mấy cô mấy thầy, mà chân vẫn đau nhức, ụa mửa ăn không được, ê ẩm, xây xẩm, huyết áp tăng giảm không lường… Còn phải lo tiền bạc cho hai đứa cháu nội ăn học, đứa ở nhà, đứa ở Quy Nhơn. Vợ Lâm không ở được với thím Ba vì làm ăn bị thua lỗ, nói trả nói treo, bị nợ đòi, tòa báo. Lâm đi làm nay chỗ này mai chỗ khác chưa có chỗ ổn định. Nay đã xin được đi làm lại ở Kotum có dịp mới về thăm mẹ, chứ anh chị em ai lo phần nấy. Thím Ba phải thuê mướn người dọn quét nhà của, phải thuê người tối đến ngủ cho đỡ hiu quạnh. Việc đời không tính được. Con cháu ở nước ngoài về thăm, thời tiết nóng nực chỉ ở vài hôm rồi phải đi Pleiku hay vào Sài Gòn.
Từ đường mỗi năm một vắng dần.
Tháng 9/2008, chú Võ Trọng Yêm gởi thơ tay em Trí con cô Chín ở miễu Tây, Hưng Nghĩa xin chuộc lại cái vườn Ông Bá. Trong thơ chú kể hoàn cảnh phải đi kháng chiến mấy cô dượng đem bán đoạn mãi để đi tập kết. Nay muốn chuộc lại vì lúc đó chú không ký bán, chú hoàn kết vào Nam hoạt động nên vắng mặt. Nay đất nước hòa bình muốn về quê cháu tính sao phúc đáp để chú lo liệu.
Ta phải lên nhà Trí, đưa thư đọc giấy tờ hỏi việc nhà nhờ Trí chuyển lời phúc đáp chứ ta không trả lời.
Từ đường của chú ở Miễu Tây còn đó, chú là người có công trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, chú về ở được địa phương chắc cũng lo được cho chú vui trong tuổi già chứ đất đai đã đoạn mãi có đủ giấy tờ rõ ràng, ký chỉ rành mạch, chú cháu nói đi nói lại mất lòng. Từ đó đến nay chẳng thấy nói lại.
Từ ngày má các con mất, ta chẳng tính được gì. Sống một mình, nay đau đầu vài hôm đau chân, huyết áp trồi sụt có lúc lên đến 180 – 200, cho nên Mỹ Kim nó phải về ngủ trong khi các cháu đi học. Đến bệnh viện khám họ thấy huyết áp cao bắt phải nằm nghỉ chờ khám xong họ mới gọi người quen chở về. Ta chỉ nương tựa vào con cháu, đi lại không được, có việc gì thì gọi điện thoại chứ đi lại một mình con cháu không an tâm. Thường thì ta về nhà vườn quét nhà quét sân để lâu thấy u sầu. Mãi đến cuối năm 2008 có vợ chồng Chuyện cùng đem Quốc Uyên về ở.
Gạch men chất đầy nhà trên nhà dưới chuột chạy lung tung kẹt chết không lấy được. Vách cũ nền gạch cũ rồi lan can tróc dễ rớt xuống đầu cũng để vậy chờ năm tháng. Mới ngăn được các vách bên nhà thím Hai Đại chứ mùi phân heo cứ hắt qua nhà chịu không nổi mà nói chẳng ăn thua gì, nền phiá sau xây rồi để đó chẳng rào nói mãi cũng chẳng làm cứ để lũ nhỏ chun qua lại. Nói vậy chứ từ ngày có cháu nhà cửa có người đi lại, lúc mưa gió, mưa tạt vào nhà cũng hốt dọn sạch sẽ, nhà đỏ lửa ngày ba bữa có tiếng cười tiếng khóc của con nít chứ trước kia khóa của đi hoài.
Ta biết cái phận của ta, ta chẳng đòi hỏi gì, tùy nghi con cháu. Mấy anh chị lớn đều có gia thất, có công ăn việc làm, nếu vợ chồng Chuyện về đây phải nuôi ta mà người già thường sống theo nếp cũ đã qua nhiều giai đoạn gian nan thăng trầm. Ở với ta ắt phải khổ: Lo nhà hư, lo cửa nát, ướt trước, ướt sau, lo giỗ quải, lo nhân nghĩa họ hàng, bên nội, bên ngoại, nuôi ông già sớm trưa đau không biết, con còn nhỏ lo ăn uống tắm rửa, tối ngủ không yên giấc quấy rầy vì nực nội chật chội.
Có mấy đứa cháu ngoại một thời ở với ta phải thức khuya dậy sớm phải quét dọn nhà của, phải rửa chén, rửa bát, đi về giờ giấc cho nên những tháng cuối thi vào đại học cũng phải về nhà ở với mẹ.
Gần đây ở bên nhà cũng có người lớn tuổi đau ốm bất thường, bài tiết thất thường có nhiều đêm con cháu cả nhà không ngủ được. Nghĩ người mà ngó đến ta, nhờ trời phật che trở, phù hộ độ trì đừng có cảnh khổ ải cho con cái, đơn chiếc làm sao nó gánh được.
Ta thì có bốn trai, bốn gái, mấy anh chị đều riêng tư, chỉ có hai chị gái ở gần. Vợ chồng Chuyện lập công ty “Sơn Thủy”. Chuyện thường đi xa, nó còn giải thích là “Sơn cùng, thủy tận” ở nơi đèo heo hút gió chân trời góc biển phải đi xa làm ăn chứ người ta tranh nhau làm ăn ở thành phố, con sanh sau đẻ muộn không theo kịp.
Nói chung mỗi nhà có một hoàn cảnh.
Nhớ lại thời xưa từ ông nội ta Võ Hoành. Ông ta có ba người con gái:
Cô Hai : Võ Thi Tôn có chồng ở Xuân Phương, chồng người nho học con cháu sau này làm ăn vẫn bình thường.
Cô Năm : Võ Thị Nhương có chồng ở Hưng Thạnh ngoài cầu Đôi gần nại muối thuộc Nhơn Bình. Dượng đẹp trai, con nhà giàu “người ta kể lại” nhà có ruộng, có đìa, trâu đàn, vịt bầy. Khi dượng mất, bà mẹ chồng, em gái thi nhau cờ bạc bán sạch, gặp lúc mất mùa đói khổ phải về nương náu mót gặt kiếm sống qua ngày chứ anh chị con cháu khá giả cũng chẳng nhờ được.
Cô Bảy : Võ Thị Thiếp có chồng ở Phước Sơn. Bà con kể lại, dượng con nhà khá giả, tính tình xởi lởi cũng làm hương lý trong làng, Hùn nhau làm ăn, trồng chè ở Dran - đường lên Đà Lạt. Ông em rể dượng thất bại, dượng bán ruộng đất trả nợ cho em. Dượng chết con cái chẳng biết làm ăn phải dọn về Hưng Nghĩa nương náu với bác ta. Con trai đi làm ruộng cày bừa cho anh Ba con bác. Bác chỉ cái vườn cất nhà. Sau ngày bác mất phải dỡ nhà trả lại phần đất cho anh Năm Trang con bác rồi ra ở cái dang đất thổ “nơi có bụi dúi người ta bỏ lò ông táo bể” cây cối mọc tùm lum. Sau này nhờ dỡ cái vọng gác nên mới nới ra làm nhà. Hiện nay chị Năm và mẹ con con Ngọt ở.
Còn phần cha mẹ ta: Ngày ta đã biết: ngày gặt đám mả vôi má ta phải thưa bác gái coi gặt. Ta mới hỏi, má nói: phải thục ruộng để trả nợ chứ bác không cho mượn.
Ta chỉ kể sơ việc gia đình thời trước cho các con để lo liệu ăn ở. Bác trai ta rất tốt nhưng quyền hành thuộc bác gái. Ngày cuối đời ông bị đau đi lại không được chỉ nhờ đứa cháu nội gái Hai Điểu cơm nước. Ngày giỗ ông nội Võ Hoành, bà nội Đoàn Thị Tình, con cháu xa gần đều phải về đông đủ, nhất là ngày giỗ bà nội sau tết còn đánh bài, xóc dĩa, đánh tài bàn, bài tới, chơi bời được mấy ngày đêm mới về.
Ngày nay con cháu tứ tán đi làm ăn xa chỉ còn vài chi tộc phục hồi tế lễ đóng góp theo hảo tâm của người xa quê hương. Từ đường họ Võ sửa sang được cũng nhờ con cháu ở hải ngoại.
Việc đời chẳng gì hoàn hảo chỉ có tình thương, khoan thứ, rộng lượng con cháu mới sum họp vui vẻ. Ai rồi cũng ra đi. Quanh đây có mấy nhà khá giả hỏi ta đã di chúc cho con cháu chưa? Chưa làm là thiếu sót! Làm gì mà hoàn hảo được, con cháu đông, ta lo cho nó học hành, có sức khỏe, biết nhường nhịn, san sẻ, chứ ta có của cải gì đâu. Cầu sao khi ta nhắm mắt con cháu sống bình thường, hòm rương đơn giản “chỉ bình thiên, bình địa vuông vức” khỏi sụp săng, tránh đờn ca múa nhảy. Ai khen ai chê chẳng làm gì.
Anh chị em phải nhường nhịn thương yêu giúp nhau qua giai đoạn khó khăn, tìm con cháu cùng dòng máu chớ bỏ rơi.
Nói mãi cũng chẳng hết lời. Nghe và làm là ý của các con cháu.
Tuy Phước, tháng 9 năm 2009
Ta: Võ Ngọc Uyển
Toàn bộ thông tin trong gia phả, là thuộc bản quyền của tộc Võ (Tuy Phước, Bình Định).
Mọi sự trích dẫn phải được phép của người quản lý đại diện cho tộc Võ (Tuy Phước, Bình Định)
Mọi thiết kế, hình ảnh trong trang web này, là bản quyền của Việt Nam Gia Phả.