Họ Đinh Nho xuất phát từ 1 họ lớn ở Ninh Bình. Khoảng năm 1543 - 1546, có 3 anh em đưa nhau vào xứ Nghệ là Đinh Phúc Diên, Đinh Phúc Tiên, Đinh Phúc An. Đinh Phúc Diên là thủy tổ của dòng họ Đinh ở Hương Sơn là thuộc tướng của Lê Tuấn Mậu về phe chống Mạc phù Lê. Việc vỡ lỡ, Lê Tuấn Mậu bị giết, cả 3 anh em chạy vào Nghệ An rồi tản ra mỗi người 1 nơi. Đinh Phúc Diên ở Hương Sơn - Hà Tĩnh, Đinh Phúc Tiên ở Nghi Lộc - Nghệ An, Đinh Phúc An ở Hưng Nguyên - Nghệ An.
Đinh Phúc Diên là thủy tổ của dòng họ Đinh ở Hương Sơn. Lúc đầu Ngài ngụ cư ở thôn Bình Hòa, khai hoang lập Ấp và vẫn nuôi chí phù Lê diệt Mạc cùng với Phạm Phúc Kính Sơn Bằng.
Sau khi nhà Lê trung hưng Ngài được phong là "Tả hiệu điểm Công tây hầu", thọ 93 tuổi. Đời thứ 1 là Ngài Đinh Phúc Trường thọ 60 tuổi. Đời thứ 2 là Ngài Đinh Phúc Bảo thọ 73 tuổi. Đời thứ 3 là Ngài Đinh Chính Tính thọ 71 tuổi. Đời thứ 4 là Ngài Đinh Phúc Khánh thọ 82 tuổi. Đời thứ 5 là Ngài Đinh Hữu Luân thọ 75 tuổi. Đời thứ 6 là Ngài Đinh Nho Công tức Hầu Thiêm Đại vương phụ, thọ 60 tuổi.
Từ đời thủy tổ đến đời thứ 6 họ ta độc Đinh. Đến đời thứ 6, Ngài Đinh Nho Công thuở nhỏ học hành dang dở phải bỏ học ở nhà đi cày đến năm 28 tuổi mới tiếp tục dùi mài kinh sử. Nhờ quyết tâm cao nên đến năm 34 tuổi Ngài đậu Tiến sĩ khoa Canh Tuất (1670) niên hiệu Cảnh trị triều Lê. Ngài có 2 vợ, sinh được 6 người trai, cả 2 bà đều là người họ Đặng. Bà cả sinh Ngài Đinh Nho Trạch (còn gọi là Già Tiên Nhân), Ngài Đinh Nho Huân (mất sớm) và Ngài Đinh Nho Hoàn (tức là Mặc Trai Đại vương tử). Bà hai sinh Ngài Đinh Nho Thận, Ngài Đinh Nho Thường (con cháu Ngài về sau vào huyện Can Lộc lập nghiệp) và Ngài Đinh Nho Côn (tức Hầu Hương Nghĩa, con cháu Ngài về sau sang đất Thanh Chương - Nghệ An lập nghiệp). Như vậy, từ đời thứ 7 là Ngài Đinh Nho Trạch (con bà cả) và Ngài Đinh Nho Thận (con bà hai), di duệ của 2 Ngài về sau thành 2 chi Trưởng, Thứ.
Từ khi họ ta về đất Hương Sơn đến nay đã gần 500 năm và có trên 20 đời. Đánh giá về dòng họ Đinh Nho ở Hương Sơn, báo Hà Tĩnh số ngày 17/4/1999 có đăng bài "Họ Đinh Nho ở Hương Sơn", trong đó có đoạn: "Họ Đinh Nho là 1 cự tộc thế phiệt trâm anh ở Hương Sơn và xứ Nghệ. Dòng họ này đã sản sinh ra nhiều nhân vật nổi tiếng cả trong Khoa mục, Quan trường và Võ bị". Sự đánh giá đã dựa trên những cứ liệu của khoa học lịch sử. Để con cháu về sau hiểu rõ, ban biên tập xin điiểm lại những nét cơ bản về sự phát triển của dòng họ cũng như sự đóng góp của con cháu đã trải qua gần 5 thế kỷ.
Mở đầu Ngài Đinh Nho Công khai khoa cho dòng họ. Sau khi đậu Tiến sĩ Ngài được giữ chức Ngự sử của triều đình, từng là chức "Giám sát Ngự sử lệ khoa công khoa cấp sư trung", "Đốc thị bản hạt chánh sư", sau thăng lên "Ngự sử Đài Thiêm đô". Tính Ngài ngay thẳng, thanh liêm được nhà vua phong tặng 4 chữ "Ngôn ngữ phong lăng", sau tấn phong là "Anh nghị Đại vương". Trong 1 lần được nhà vua cử đi xét ngục ở Nghệ An, Ngài đã giải oan cho viên thủ bộ bị án tù. Viên thủ bộ là cha của bà Phan Thị Viên, là á thất của Ngài Đinh Nho Hoàn sau này. Tương truyền cũng trong lần công cán này Ngài đã cưu mang nhận nuôi con của vị tướng công họ Tống. Gia phả dòng họ Tống Trần ở Sơn Hòa có ghi: "Theo quê mẹ về nơi Gôi Mỹ, Làm con nuôi Đinh thị Đại vương".
Ngài Đinh Nho Hoàn là con của Ngài Đinh Nho Công, đậu Hoàng Giáp năm Canh Thìn (1700), được cử giữ nhiều chức quan trọng như "Đốc trấn Cao Bằng". Ngài mới đến ở đây có 5 tháng mà đã được bà con dựng bia ghi công đức gọi là Đức chính bia (bia được dựng ngay trước hội quán). Ngài có làm 1 chiếc khánh gọi là khánh Mặc Trai được treo ở thư phòng để tu luyện ý chí. Bài văn trên khánh do chính tay Ngài soạn có viết: "Phàm vật tĩnh giả tịch, khấu giả thanh, đảm thanh chi phát các dị. Thanh chi tiết, đạm nhi tuấn, hữu tự phù ngô nhân, chi cao giã, dư cố ai chi, hóa nhất phiến, huyền vu...tả mạnh chi viết "Mặc Trai khánh" dĩ trường dư chi". Lời dịch: "Phàm vật ở yên thì lặng, gõ vào thì kêu, nhưng âm phát ra thì mỗi vật mỗi khác. Âm thanh của khánh trong trẻo mà có tiết tấu nhẹ, vừa cao vang tựa như có cái cao thượng của con người. Ta vì...mà yêu thích âm thanh của khánh bèn xuất tiền làm 1 chiếc treo ở phía bên trái...đặt tên là "khánh Mặc Trai" để...ý chí của ta". Mùa thu năm 1715, Ngài được cử làm phó sứ trong đoàn sứ bộ sang Tàu. Trước khi đi Ngài về quê sắp xếp việc nhà rồi dặn dò con cháu rằng: "Mặc tư tôn; Tu trung hiếu, phác hậu; Thanh kiệm, lạc bần; Tiến vi nghĩa sĩ, thôi vi lương nông; Vật kiêu dâm, vật phạm thượng; Vật tranh tụng, vật đỡ bác; Phương khả cân tư am". Lời dịch: "Hễ con cháu Mặc Ông thì phải trung hiếu thật thà, trong sạch, cần kiệm, tiến lên làm kẻ nghĩa sĩ, lúc về làm kẻ lương nông, chớ kiêu dâm, chớ cờ bạc, như thế mới gần được am ta". Trên đường đi sứ Ngài làm thơ ngâm vịnh ghi lại thành tập "Mặc Ông sứ tập". Xong việc trên đường về Ngài lâm bệnh và mất dọc đường. Vua Tàu lúc bấy giờ là Khang Hy lấy làm thương tiếc, lấy lễ Trung lao để tế Ngài, ngự văn viết như sau: "Y! Nam giao chi nhân hễ; Nhân hễ bất sinh; Sinh ư khoa mục; Kỳ sinh dạ vinh; Y! Nam giao chi nhân hễ; Nhân thủy bất tử; Tư ư Quốc sự; Kỳ tử do sinh; Trẫm điện tam bôi; Khanh kỳ hữu linh". Lời dịch: "Ôi! Người Nam giao ta ơi; Người sao chẳng sống; Sống nên khoa mục; Sống ấy là vinh; Ôi! Người Nam giao ta ơi; Người ai chẳng chết; Chết vì việc nước; Chết ấy như sống; Trẫm tế Người 3 tuần rượu; Người có thiêng thì về hưởng". Triều đình nhà Lê lấy làm thương tiếc tế Ngài rất hậu. Văn tế có đoạn: "Duy công, hệ xuất thế gia, danh cao giáp đệ. Ngu đình túc mục, tán dương tự viễn ư đế mô chu đạo úy tri, hận miên các can ư vương sự". Triều Lê đặc tăng lên chức "Kim tử Vinh lộc đại phu, lễ bộ tả thị lang, tả tri thương khanh, thọ Sơn tử, thụy giản tịnh". Đời Cảnh hưng tấn phong "Đắc đạt Đại vương".