Tổ Trần Phúc Thiện là con trai của tổ Trần Phúc Lý và bà Nguyễn Thị Kim Ngân. Ông sinh ra tại làng Đông Luỹ, tổng Vạn Phần huyện Đông Thành, phủ Diễn Châu, nay thuộc xã Diễn Phong huyện Diễn Châu tỉnh Nghệ An.
Đông Luỹ nơi đây, tổ Trần Chân Tâm (đời thứ 16) từ làng Giàn, Đông Tháp (xã Diễn Hồng huyện Diễn Châu, Nghệ An) đã chuyển cư về sinh cơ lập nghiệp và sinh hạ tổ Trần Chính Đạo (đời thứ 17); Tổ Trần Chính Đạo sinh hạ tổ Trần Văn Tuyết (đời thứ 18); tổ Trần Văn Tuyết sinh hạ tổ Trần Phúc Lý (đời thứ 19); và tổ Trần Phúc Lý sinh hạ tổ Trần Phúc Thiện (đời thứ 20). Vì vậy, làng Thái Xá ... là nơi ra đi vào Nam của tổ Trần Phúc Thiện chứ không phải là nơi nguyên hay sinh quán như văn bia trên mộ tổ Trần Phước Thiện đã ghi.
Tổ Trần Phúc Thiện, sinh ra trong bối cảnh lịch sử chính trị - xã hội của thế kỷ XV và XVI, một thời kỳ vô cùng rối ren của đất nước Đại Việt: nội chiến triền miên kéo dài suốt 50 năm (1533-1592) giữa Nam -Bắc triều ( ); khi nhà Mạc thất bại, nhà Hậu Lê hoàn thành công cuộc trung hưng, lại lâm vào cảnh đất nước: một Vua hai Chúa, Trịnh - Nguyễn phân tranh kéo dài gần 200 năm (1592-1789)( ). Hai cuộc nội chiến ấy, đã đẩy biết bao người vào lính chém giết lẫn nhau, biết bao người dân vô tội bị sát hại qua các cuộc hành quân của cả phía bên này lẫn phía bên kia, ruộng đồng bỏ hoang cùng với thiên tai, khiến cho biết bao gia đình phải chịu cảnh đói khổ, ly tán…
Tổ Trần Phúc Thiện kết hôn cùng bà Phạm Thị Nhất Nương, hiệu Từ Khánh, Ông Bà sinh hạ được bốn người con trai : Trần Phúc Đức, Trần Phúc Nhân, Trần Đăng Đài và Trần Văn Quan. Rồi từ Đông Luỹ, tổ Trần Phúc Thiện đã đem người con trai trưởng là Trần Phúc Đức ra đi ... theo cuốn Trần Tộc Tân Phả, Trần Tộc Nguyên Thiên Trần Gia Chính Phái.. do ông Trần Thanh San chủ biên hoàn thành năm 1994 nói: “ sau năm 1789, cụ Trần Sĩ Đôn viết lại gia tông”: Trần Phúc Thiện lấy bà Từ Khánh sinh 4 người con trai... rồi từ đây, Đông Luỹ phân chi. Trần Phúc Đức giáp chi ly tổ... ra vùng Phà Ghép, Tỉnh Gia – Thanh Hoá... Gần đây, trong “Lịch sử tổng quát dòng họ Trần Chân Tâm ở xã Diễn Phong” cũng do ông Trần Thanh San biên soạn hoàn thành năm 2001 lại nói:...Hiêu sinh Trần Phúc Đức ra Thanh Hoá dạy học rồi không về nữa...
Thế nhưng cha con tổ Trần Phúc Thiện và tổ Trần Phúc Đức đâu có đi ra vùng Phà Ghép – Thanh Hoá... mà đã đi sang làng Thái Xá, huyện Đông Thành, phủ Diễn Châu, tỉnh Nghệ An, một nơi cách làng Đông Luỹ không xa để sinh sống...
Không rõ tổ Trần Phúc Thiện và Trần Phúc Đức đã cùng sống với nhau ở Thái Xá được bao lâu, rồi tổ Trần Phúc Thiện mới đi vào Nam. Cũng có thể do bối cảnh lịch sử đất nước lúc bấy giờ, nên không một ai biết được tổ Trần Phúc Thiện đã đi vào Nam và đi với lý do gì? Ngay ông Trần Phúc Đức - người con trưởng của tổ Trần Phúc Thiện, từ làng Đông Luỹ đã theo cha đi sang vùng Thái Xá, vẫn không biết được cha mình tên gì, từ đâu đến Thái Xá và rồi đã đi đâu? Nên về sau khi lập gia phả tộc Trần - Làng Thái Xá vào năm Giáp Thân 1824, đời Vua Minh Mạng thứ 5, hậu duệ của Ông Trần Phúc Đức đã ghi lại rằng: “Cụ Trần Phúc Đức là Thỉ tổ tộc Trần - làng Thái Xá...Tổ tiên ta về đây từ thời vua Lê Thần Tông, niên hiệu Vĩnh Tộ (1619-1628)”. Bên dưới lại ghi tiếp 4 chữ: “Dĩ Tiền Vị Tường”; có ý nói rằng: trước đó chưa rõ.
Có thể, vì một trong những điều đã trình bày trên đây, mà suốt trong nhiều thế kỷ đã trôi qua, các chi phái tộc Trần hậu duệ của tổ Trần Phúc Thiện và bà Từ Khánh trên đất huyện Diễn Châu, Nghệ An đã không nhìn nhận chi họ tộc Trần làng Thái Xá là chi họ đàn anh cùng dòng huyết thống ruột thịt của mình ( ).
Về thời điểm vào Nam của tổ Trần Phúc Thiện: Văn bia trên mộ tổ Trần Phước Thiện tại thôn Cổ Tháp xã Duy Châu huyện Duy Xuyên tỉnh Quảng Nam ghi rằng :
“...năm Hồng Đức, theo vua Lê Thánh Tông vào đây lập nên làng xóm, mở mang địa bộ ...” Như vậy, điều này e rằng có sự nhầm lẫn, vì:
Lê Thánh Tông ở ngôi Vua từ năm 1460 đến năm 1497 và lấy niên hiệu là Hồng Đức từ năm 1469 đến năm 1497. Vua Lê Thánh Tông cầm quân vào Nam mở mang bờ cõi là năm 1471; Nếu lúc bấy giờ có tổ Trần Phúc Thiện theo cùng, thì giữa tổ Trần Phúc Thiện (đời thứ 20) ngược lên tổ Trần Nguyên Hãn (1390-1429) đời thứ 12, cách nhau 8 đời người; Tám đời người sao chỉ có khoảng cách nhau trên dưới 50 năm?.
Theo sự tính toán xưa và nay về một đời người thường khoảng trên dưới 25 năm, vậy 8 đời người, phải đến trên dưới 200 năm. Tuổi 25 của Tổ Trần Nguyên Hãn là năm 1415 + 200 năm của khoảng cách 8 đời người, thì thời điểm vào Nam của tổ Trần Phúc Thiện là khoảng những năm 1600 đến 1630, nếu có sai số thì cũng không nhiều. Thời điểm ấy là phù hợp với bối cảnh lịch sử đất nước ta lúc bấy giờ. Đồng thời cũng phù hợp với gia phả của chi tộc Trần - làng Thái Xá có ghi: “... tổ tiên ta (cụ tổ Trần Phúc Đức là Thỉ tổ) về đây từ thời vua Lê Thần Tông, niên hiệu Vĩnh Tộ (1619-1628)”; cũng có nghĩa, những năm ấy, cha con ông Trần Phúc Thiện và Trần Phúc Đức từ Đông Luỹ đến làng Thái Xá; ông Trần Phúc Đức ở lại, sau trở thành Thỉ tổ chi họ tộc Trần - làng Thái Xá, còn ông Trần Phúc Thiện lại tiếp tục ra đi vào Nam...
Khi vào đến Quảng Nam, tổ Trần Phúc Thiện đã cùng những người cùng cảnh ngộ hợp sức khai cơ lập nghiệp, dựng xây nên làng Thanh Châu - thuộc xã Duy Châu huyện Duy Xuyên tỉnh Quảng Nam ngày nay. Hậu duệ của tổ Trần Phước Thiện( ) và những người đồng thời ấy đến nay đã sinh hạ và phát triển, hình thành các dòng tộc đông đúc ở làng Thanh Châu, như tộc Trần Phước, tộc Văn, tộc Ngô, tộc Phạm... Và cũng không rõ từ bao giờ, giữa các dòng tộc ấy đã có sự suy tôn và công nhận tộc Trần Phước là tộc “đàn anh”. Khi có lễ hội tại đình làng, vị tộc biểu của tộc Trần Phước được ngồi chiếu trên, gian giữa ... Trong quá khứ, cũng có lần giữa các dòng tộc Văn, Ngô, Phạm tranh cãi nhau gay gắt về ngôi thứ tộc mình trong làng; Song đối với tộc Trần Phước của chúng ta, chưa hề có ai nói năng gì về ngôi thứ “đàn anh” ấy cả.
Trở lại tấm bia trên mộ tổ Trần Phước Thiện: Tấm bia được con cháu dòng họ tộc Trần Phước – làng Thanh Châu phụng lập năm 1955, sau khi kết thúc cuộc kháng chiến chống Pháp xâm lược lần thứ hai (1945-1954) cùng lúc với việc bồi đắp thêm ngôi mộ. Trên đầu lòng linh tâm bia có ghi hai chữ “Đại Nam”, nên có nhiều người đọc lầm tưởng tấm bia được phụng lập trong khoảng thời gian từ thời vua Minh Mạng (1820) đến cách mạng tháng tám năm 1945( ); vì chỉ có thời gian đó, nước Việt Nam mới mang quốc hiệu “Đại Nam”. Song không phải vậy mà tấm bia được phụng lập năm ất Mùi – 1955 như đã nói trên. Sở dĩ bia có hai chữ “Đại Nam”, vì theo quy định của hiệp định Géneve – 1954 về chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam rằng: từ vĩ tuyến 17 trở vào Nam tạm thời chịu sự quản lý của quân đội Pháp. Chờ hai năm sẽ tiến hành tổng tuyển cử thống nhất đất nước. Nhưng thực dân Pháp bất lực, đế quốc Mỹ đã nhảy vào kéo theo bè lũ tay sai mới Ngô Đình Diệm ngang nhiên phản bội hiệp định Génève, âm mưu chia cắt lâu dài đất nước Việt Nam; Ngay từ đầu, nhân dân miền nam Việt Nam đã chống lại mưu đồ đen tối của Mỹ – Diệm dưới mọi hình thức và mức độ khác nhau; con cháu tộc Trần Phước làng Thanh Châu đã không chấp nhận cái tên nước “Cộng Hoà Việt Nam” của Mỹ Diệm, đành thay vào đó hai chữ “Đại Nam” để che mắt kẻ thù và được giữ nguyên cho đến ngày nay. Ngày 17-05-2002, Hội đồng Gia tộc tộc Trần Phước làng Thanh Châu đã tổ chức cuộc hội thảo góp ý vào bản dự thảo lần thứ hai bảng phổ hệ tộc Trần... có 16 vị trong Hội đồng Gia tộc và các bậc cao niên tham dự, trong số đó có một số Cụ đã từng tham gia vào việc bồi đắp, tu bổ và dựng lại bia mộ tổ Trần Phước Thiện năm 1955, đều thống nhất xác định lại đúng như vậy.
Khi còn ở Nghệ An, tổ Trần Phúc Thiện đã có vợ là bà Từ Khánh và đã sinh hạ được 4 người con trai là: Trần Phúc Đức, Trần Phúc Nhân, Trần Đăng Đài và Trần Văn Quan. Khi vào Quảng Nam ông có thêm bà Trinh Thục Nhị Nương - Nguyễn Thị Lan và Ông Bà đã sinh hạ ông Trần Phước Biền.
Lúc qua đời, tổ Trần Phước Thiện và bà Nguyễn Thị Lan được song táng trên mảnh đất ở cánh đồng Soi mà lúc sinh thời, Ông Bà đã có công khai phá tại làng Cổ Tháp, cũng thuộc xã Duy Châu huyện Duy Xuyên ngày nay.
Mộ tổ Trần Phước Thiện qua nhiều thế hệ con cháu đã bồi đắp; và nhất là vào năm 1955 (năm ất Mùi), con cháu tộc Trần Phước làng Thanh Châu đã tổ chức đắp xây mộ tổ to rộng có đến 200 m2, cao hơn 1 mét so với mặt ruộng. Vùng đất này vốn là nghĩa địa của nhân dân trong xã, đến những năm cuối thập kỷ 70 thuộc thế kỷ XX, thực hiện chủ trương quy tập mồ mả về những vùng đất thích hợp, giành ruộng đất cho việc sản xuất nông nghiệp. Riêng ngôi mộ tổ Trần Phước Thiện và bà Nguyễn Thị Lan, theo yêu cầu của con cháu tộc Trần Phước, được Viện Khoa học Xã hội Việt Nam tại TP Hồ Chí Minh đã cử một đoàn cán bộ về sơ bộ khảo sát và sau đó, ngày 12-06-1987 Viện có công văn số 106/KHXH gửi sở Thông tin Văn hoá tỉnh Quảng Nam Đà Nẵng; ngày 18-08-1987 sở Thông tin Văn hóa gởi Uỷ ban Nhân dân xã Duy Châu nói về mối liên quan đến di tích lịch sử và công văn số 363 ngày 27-10-1987 về việc cấm mọi thay đổi hiện trạng ngôi mộ tổ tộc Trần Phước ở xã Duy Châu. Nhưng đến ngày 3-3-1988 sở TTVH Quảng Nam Đà Nẵng lại cho phép tu bổ ngôi mộ tổ của tộc Trần Phước xã Duy Châu( ).
Duy Châu là một trong hàng trăm làng xã của tỉnh Quảng Nam, phải trải qua 2 cuộc kháng chiến chống xâm lược bảo vệ độc lập và giải phóng dân tộc từ những năm 1945 đến 5-1975 (chống Pháp (1945-1954) rồi chống Mỹ (1955 đến 5-1975)) đã diễn ra vô cùng ác liệt, bom đạn của kẻ thù đã tàn phá, san bằng, huỷ diệt tất cả xóm làng, nhà cửa, mồ mả cũng bị cày xới ...Ngôi mộ tổ Trần Phước Thiện, cũng bị nhiều hố bom đào sâu, sát ngay bên cạnh, tấm bia trên mộ Tổ được phụng lập từ năm 1955 cũng bị nhiều mảnh bom gây nên sứt mẻ...
Sau khi được cơ quan chức năng các cấp can thiệp và được sự nhất trí của chính quyền địa phương, con cháu tộc Trần Phước đã tiến hành tu bổ ngôi mộ tổ, san lấp các hố bom chung quanh, chủ yếu xây lại bờ thành và ngày 12-3 năm Mậu Thìn (tháng 4-1988) dựng lại tấm bia mới bằng đá, văn bia vẫn y theo tấm bia cũ.
Nhờ vậy, ngày nay trên giữa cánh đồng lúa bạt ngàn của xã Duy Châu có một ngôi mộ mà người đang yên nghỉ bên dưới, cách ngày nay có gần đến 400 năm, từ phương Bắc xa xôi vào, ra công khai phá... góp phần xây dựng nên quê hương mới. Tổ Trần Phước Thiện và bà Nhị Nương Trinh Thục - Nguyễn Thị Lan, người quá cố xa xưa, ngày ngày vui mừng phóng tầm mắt nhìn bao cảnh đổi thay của xóm làng đông vui, trù phú và những cánh đồng bao la lúa ngô tươi tốt...
M? t? Tr?n Phu?c Thi?n
Văn bia trên mộ Tổ Trần Phước Thiện & bà Nguyễn Thị Lan
Toàn bộ thông tin trong gia phả, là thuộc bản quyền của tộc Trần Phước (陳 福 - 富霑).
Mọi sự trích dẫn phải được phép của người quản lý đại diện cho tộc Trần Phước (陳 福 - 富霑)
Mọi thiết kế, hình ảnh trong trang web này, là bản quyền của Việt Nam Gia Phả.